Tích từng trăm lẻ ăn sáng để mua bóng
Làng tôi là một làng thuần nông ngoại thành phía nam Hà Nội (làng Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín). Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với làng quê, đồng ruộng, sân đình và dĩ nhiên không thể thiếu trái bóng, môn thể thao mà đứa nào cũng ưa thích, ai cũng có thể chơi.
Lúc mới lẫm chẫm 5-6 tuổi, tôi thường mua bóng nhựa để đá ở ngõ hoặc sân nhà, tôi nhớ quả bóng nhựa hồi đó (cách đây khoảng 20 năm) là 1 nghìn đồng, số tiền đó bằng 3 bữa ăn sáng của tôi, vì mỗi sáng mẹ tôi chỉ cho tôi 300 hoặc 500 đồng đủ tiền mua một cái bánh mỳ "truồng". Nhưng chẳng mấy khi tôi ăn sáng cả, tôi cứ tích góp lại mua hết quả bóng này đến quả bóng khác đá như bữa ăn tinh thần còn giá trị hơn nhiều lần so với bữa ăn vật chất.
Bóng nhựa mới mua còn nguyên hơi nên đá rất nảy, có thể bay tứ tung trong nhà làm vỡ cái lọ, làm bể cái chai, vậy nên bố tôi rất "ngứa mắt" nếu tôi cứ đá lung tung trên sân nhà. Có lần ông bắt được bóng của tôi và lấy dao rạch ngay trước mặt tôi khiến tôi rất ấm ức, giấc mơ cầu thủ có vẻ như quá xa vời và chẳng ai ủng hộ. Nhưng tôi chẳng chịu thua. Tôi nhồi ít rơm vào ruột, lấy kim khâu lại "vết thương lòng" trên trái bóng rồi lại đá tiếp. Lần sau, tôi rút kinh nghiệm hơn ra bãi đất trước nhà một mình rê bóng lên xuống cả buổi chẳng hề biết mệt.
Lớn lên độ 8-9 tuổi, tôi bắt đầu chuyển sang đá bóng hơi cho giống cầu thủ trên ti vi. Mỗi quả bóng hơi hồi đó giá từ 15 đến 50 nghìn đồng, tùy vào chất lượng và đó là cả một gia tài. Dĩ nhiên với sức tiết kiệm 500 đồng một ngày tôi chỉ dám mua quả bóng 15 nghìn đồng là sang nhất. Quả bóng hơi đầu đời do tôi sở hữu có in hình logo của SEA Games 22 và linh vật chú trâu vàng, vì thời gian đó SEA Games chuẩn bị diễn ra ở nước ta. Tôi tự thưởng cho mình sau những sáng nhịn đói. Ôi! Món quà quý giá nhất tuổi thơ của tôi.
Dĩ nhiên, đá bóng đâu thể đá một mình mãi, tôi phải rủ thêm rất nhiều đứa bạn khác trong làng mê đá bóng mà không có tiền mua bóng như tôi. Và để không ở mãi sau "lũy tre ngõ", chúng tôi quyết định bước ra sân khấu lớn đó chính là sân bóng làng.
Sân bóng làng rất rộng, chiều dài khoảng 70 mét, rộng khoảng 40 mét và đặc biệt là sân bị méo chứ không vuông vức như trên ti vi. Mặt sân bằng đất khá gồ ghề, còn cỏ thì lưa thưa ở các góc sân, thời chúng tôi có bóng đá là tốt rồi chứ có đứa nào mơ mộng đến giày đá bóng. Sẵn đôi chân trần, cứ thế chúng tôi tung hoành trên sân bóng mọi lúc không phải đi học.
Tôi có cậu bạn thân tên Tú cũng rất ham mê đá bóng, đã có lần chúng tôi đá bóng vào lúc 12 giờ rưỡi khi mặt trời còn đang nắng gắt, người lớn ngủ trưa, còn đội hình ra sân chắp vá, mỗi bên 5-6 đứa trẻ con và chạy hùng hục trên sân bóng rộng lớn, bụi cát. Có hôm thì ham đá quá đến lúc nhá nhem tối không nhìn thấy gì nữa chúng tôi mới chịu nghỉ. Nhiều lúc nghĩ lại, chính bản thân tôi cũng không nghĩ được tại sao ngày đó lại đam mê đến thế, ngay cả bây giờ cho "diễn" lại đam mê thì chính tôi cũng không thể.
Nỗi ác mộng từ những vết răng chó
Hồi tôi khoảng chục tuổi, quanh sân đình chỉ toàn đồng ruộng chứ không có nhà dân ở. Bỗng dưng, một ngày đẹp trời, có một ngôi nhà cấp bốn mọc lên ngay đằng sau cột gôn, đó là hai vợ chồng ông Bạt, hai ông bà ra đây xây nhà để ở riêng với con cái.
Biết trước làm nhà sau gôn thì sẽ là đích sút của trái bóng, ông Bạt cho hướng nhà quay xuống dưới, lưng nhà làm bia đỡ bóng, để an tâm hơn, ông Bạt xây thêm một tường rào cao lưng chừng để xem quả bóng nào đủ sức đá đổ được tường nhà ông.
Thế rồi, những trận mưa bóng được lũ trẻ trâu giã vào tường nhà ông Bạt cứ bùm bùm, cả ngày không nghỉ, từ nhóm trẻ con này đến nhóm thanh niên khác, sân bóng làng chẳng lúc nào được nghỉ ngơi. Ngay cả ban trưa đang ngủ ngon, ông Bạt cũng bị lũ trẻ chọc tức bằng cách dội bóng vào tường nhà nhưng ông chẳng có cách nào để đuổi được chúng đi cả, ai bảo nhà ông mọc lên ở địa thế đẹp như thế.
Như đồng cảm với chủ, mấy con chó nhà ông Bạt lúc nào mà bị bóng dội vào tường là cắn sủa inh ỏi, ngay cả ông Bạt cũng không thể quát nổi chúng. Và chính chúng đã liên tiếp "trả hận" cho ông Bạt khi trái bóng vượt tường bay vào sân nhà ông Bạt. Chúng lao ra từ trong bếp như những tên cướp, giằng nhau quả bóng bằng đôi hàm khỏe khoắn, cặp răng nanh sắc nhọn, và dĩ nhiên chẳng quả bóng nào trụ được quá 30 giây với 2 con chó đó. Tôi nhớ rằng, nhà ông Bạt lúc nào cũng nuôi chó, hết đời con này đến đời con khác.
Chẳng biết cố tình hay vô ý, ông Bạt tuy ở trong nhà nhưng thường ra "can ngăn" chúng rất chậm, có khi quát "yêu" chúng để chúng cắn xịt nhanh lên cho lũ trẻ mất đá. Ngoài ra, cửa cổng nhà ông Bạt lúc nào cũng khóa kể cả lúc ông Bạt trong nhà, có thể ông lo mất trộm hay chăng? Còn đối với chúng tôi thì chỉ muốn vào giải cứu trái bóng chứ nào dám trộm cắp gì, mấy thằng "khinh công" giỏi thì leo tường vào, cố gắng cầm que nhử con chó buông bóng ra, con này vừa buông bóng tấn công thì con kia lại nỗ lực cắn xịt quả bóng, tôi nhớ rằng, nhà ông Bạt lúc nào cũng nuôi từ hai con chó trở lên, có lúc đến ba con, con nào lúc ban đầu "nhập trạch" nhà ông Bạt đều rất hiền nhưng rồi chúng đều có chung sở thích là gặm bóng của lũ trẻ rồi trở nên hung hăng, khó bảo.
Tôi vội vàng chạy đến cửa cổng, vội mở khóa trái nhưng không được, trong lúc bạn tôi đang loay hoay trèo tường vào thì mấy đứa chúng tôi ở ngoài lấy đá ném chó để nhử nó ra, nhưng đều vô tác dụng. Bạn tôi chưa kịp nhảy xuống sân thì trái bóng đã "lịm" dần dưới cặp răng nanh của hai con chó, bạn tôi đành "lượm xác" trái bóng về cho tôi, tôi lặng nhìn quả bóng đến suýt khóc.
Để trả thù chúng, có lần mấy đứa chúng tôi kiếm được một quả bóng xịt, bôi ớt tươi kín lên trái bóng, rồi xem lúc ông Bạt không có nhà chúng tôi ném vào cho lũ chó xơi, và thế là chúng khè lên vì cay, nhả ngay trái bóng ra và sục mõm xuống nền đất, chúng tôi rất hả hê khi nhìn thấy điều đó.
Đàn chó "thất nghiệp"
Cách đây chừng 10 năm, cơn bão đô thị hóa bắt đầu ùa về làng tôi. Khu công nghiệp mọc lên, mạng internet phủ sóng, quán nét "mọc" lên như nấm được mùa mưa và đặc biệt nhất là sân bóng cỏ nhân tạo bắt đầu xuất hiện khiến cho sân bóng làng ít "khách" hẳn, chẳng còn mấy ai mặn mà. Hiếm thấy bọn trẻ rủ rê nhau ra sân đình đọ sức với trái bóng tròn.
Lũ trẻ thì đam mê với smartphone hơn hoặc với đá bóng điện tử, đi vào nhà ai kiểu gì cũng bắt gặp bọn trẻ con ngồi trên ghế đang dán mắt xem điện thoại cười khúc khích, còn những trai tráng đam mê bóng đá một thời với bụng bia cũng ngại chạy sân lớn hơn mà tìm sân nhân tạo nhỏ hơn để đá cho "nhàn chân".
Thế là, sân bóng làng cỏ mọc tốt um, cỏ mọc tốt, mấy con chó "mất dạy" còn hay ra đùa chơi rồi phóng uế, thả "mìn", hai cột gôn hoen gì. Chỉ khi đến hội làng (11 - 12 Âm lịch) có môn bóng đá thì lãnh đạo thôn mới tức tốc thuê máy cắt cỏ, sơn lại cột gôn, rắc vôi đường biên, xong hội thì cỏ lại mọc lên, sên lại bò vào vì chẳng còn dấu giày nào giẫm lên cỏ nữa.
Đàn chó nhà ông Bạt từ đó cũng hết "nghề gặm bóng", ai đi qua nhà ông Bạt đều không bị chúng xồ ra cắn sủa inh ỏi nữa, điều này chẳng biết nên buồn hay nên vui, vì cái tuổi thơ trong trẻo của bao thế hệ thanh niên làng giờ chìm vào dĩ vãng. Thay vào đó là những trò chơi, thú vui tiêu khiển khác nặng về công nghệ, nhẹ về tính gắn kết, rèn luyện sức khỏe, một thế hệ trẻ lớn lên với cặp kính cận trên mắt đang xuất hiện rất nhiều ở làng tôi.
Sau gần 20 năm, ngôi nhà ông Bạt vẫn nằm im đó và xuất hiện một vài vết nứt trên tường nhà, không rõ phải từ những trái bóng hơi dội "bùm bùm" vào không nữa...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
0 nhận xét:
Post a Comment