Sân khấu kịch nói cần chuyên nghiệp hóa các khâu
NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ với Dân Việt rằng, từ năm 2000 trở lại đây, cùng với việc bùng nổ của công nghệ thông tin và nhiều loại hình giải trí, kịch nói đang dần đánh mất vai trò, vị thế của mình trong việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó nguyên nhân đầu tiên là sự dẫm chân tại chỗ trong quá trình sáng tạo nên những tác phẩm. Các thành phần sáng tạo ít có sự bứt phá về hình thức thể hiện từ kịch bản, đạo diễn, họa sỹ đến nghệ sỹ biểu diễn.
"Để từng bước khắc phục tính nghiệp dư trong sáng tạo nghệ thuật, xây dựng nên những vở diễn có chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước cũng như đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân trong việc thưởng thức nghệ thuật thì cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp hóa ở tất cả các khâu, các thành phần sáng tạo.
Cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ ở tất cả các thành tố tạo nên tác phẩm. Nên chăng cần mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, âm thanh ánh sáng đang hoạt động tại các đơn vị", NSƯT Đỗ Kỷ bày tỏ.
Theo NSƯT Đỗ Kỷ, với tình trạng của sân khấu kịch nói hiện nay, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nên mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các tác giả đi thực tế ở các địa phương, các ngành nghề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Trong trại sáng tác nên có các buổi tọa đàm nhằm nâng cao kỹ năng sáng tác gồm những nhà viết kịch lâu năm có nhiều tác phẩm chất lượng, những chuyên gia sân khấu trong và ngoài nước, những đạo diễn, họa sỹ đang hoạt động có hiệu quả ở các đơn vị.
Nên chú trọng tới chất lượng hơn số lượng, kéo dài thời gian mở trại hơn và có nhiều nội dung trong các buổi trao đổi hơn. Làm sao sau khi kết thúc trại sáng tác có được những kịch bản chất lượng.
"Nhiều năm trở lại đây, đội ngũ đạo diễn, họa sỹ đa phần là tự học, hoặc học trong nước. Có rất nhiều đạo diễn xuất thân từ diễn viên, vì đam mê sân khấu mà tự bỏ tiền túi ra đi học. Ai không có điều kiện thì theo học trong nước, ai có điều kiện thì ra nước ngoài du học, việc làm này cũng cần khuyến khích. Nhưng dẫn đến tình trạng phân bổ lực lượng đạo diễn không đồng đều ở các địa phương, đơn vị. Nên chăng, trong công tác đào tạo mới và nâng cao chuyên môn cho đạo diễn thì cần có sự điều tiết của các nhà chuyên môn.
Đã đến lúc cần thiết nên đưa các học viên ra nước ngoài học tập. Nếu không thì đi tập huấn ở những nước có nền kịch nói phát triển, thời gian có thể là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo năng lực của mỗi người. Việc tham quan, học tập ngoài nước sẽ làm cho chúng ta tiếp cận với những cái mới, cái hay của mỗi nước. Mỗi năm nên mời ít nhất là một đoàn nghệ thuật kịch nói nước ngoài có chất lượng sang biểu diễn ở Việt Nam, ngoài phần biểu diễn rất cần có những buổi tọa đàm chuyên đề về công tác sáng tác kịch bản, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, diễn viên…
Trước mắt các cơ quan chức năng nên tập trung đầu tư về mọi mặt cho 2 đơn vị kịch nói tiêu biểu xứng tầm khu vực để làm đầu tàu, làm động lực thúc đẩy các đơn vị kịch nói khác trong cả nước phát triển bắt kịp với nền kịch nghệ trên thế giới", nghệ sĩ Đỗ Kỷ nêu.
Sân khấu kịch nói phải xây dựng diện mạo mới trong bối cảnh mới
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên 3 năm một lần, tổ chức phát động cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu có tính thử nghiệm để trao giải. Những kịch bản thử nghiệm được giải, Hội hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư dàn dựng (đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập) để có kinh phí chủ động tham gia liên hoan và đi biểu diễn phục vụ nhân dân.
Ngoài đầu tư cho sáng tác, Hội cũng cần phối hợp với các Vụ, Cục chức năng, các Nhà hát, Đoàn kịch… tổ chức các lớp tập huấn cho diễn viên trẻ để nâng cao trình độ về biểu diễn - đài từ - hình thể...
Về công tác tổ chức, Hội cũng cần xây dựng đề án tổ chức Liên hoan Sân khấu thử nghiệm trong nước, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, tìm ra những tác phẩm có chất lượng cao để tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm Việt Nam. Hội và các đơn vị nghệ thuật cần tăng cường mối quan hệ giao lưu, trao đổi giới thiệu nghệ thuật sân khấu Việt Nam với bạn bè quốc tế nhiều hơn.
"Thực hiện được những giải pháp nêu trên, chúng ta tin rằng, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, việc giao lưu quốc tế trên các lĩnh vực sẽ nở rộ. Sân khấu kịch nói Việt Nam sẽ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong hội nhập và phát triển", NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
Tương tự, NSND Lê Huy Quang cho rằng, bước vào năm thứ 101 của sân khấu kịch nói, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, quan tâm hơn nữa đến nghệ thuật kịch nói trong bối cảnh mới, để tạo nên những diện mạo mới.
Đào tạo đội ngũ thế hệ mới gồm tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, các nhà lý luận, phê bình; các nhà quản lý có nghề, tâm huyết. Và nhất là một thế hệ các nghệ sĩ biểu diễn trẻ, để bước tiếp trên con đường sáng tạo đầy khó khăn, khổ ải vẫn đang chờ ở phía trước; nhằm lấy lại niềm tin yêu của công chúng với nghệ thuật kịch nói, cũng như góp phần làm cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam bắt kịp những nền sân khấu tiên tiến, hiện đại trên thế giới.
"Hiện nay, Việt Nam đã và đang quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19. Tin rằng, cùng với giới sân khấu cả nước, những nghệ sĩ của thể loại kịch nói vẫn tranh thủ tập luyện, biểu diễn trực tuyến, online, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm sân khấu nhiều sáng tạo mới, trong một cuộc sống "bình thường mới" sẽ trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta", NSND Lê Huy Quang nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Post a Comment