Sau Kong: Skull Island, chưa có dự án bom tấn Hollywood tương tự quay tại Việt Nam - Ảnh: Warner Bros
Chiều 15-10, tọa đàm Luật điện ảnh (sửa đổi) và phát triển điện ảnh Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Hollywood muốn làm phim, chờ giấy phép hơn một năm
Ông Fraser Thompson, giám đốc điều hành Công ty tư vấn AlphaBeta (Singapore), nêu kinh nghiệm về phim Crazy Rich Asians.
Phim này được thực hiện theo cách "toàn cầu hóa và tách rời": mỗi công đoạn ở một quốc gia nhưng vẫn tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Phim đạt doanh thu toàn cầu 238 triệu USD. Do đó, theo ông, Luật điện ảnh cần ưu đãi cho việc sản xuất phim nước ngoài ở Việt Nam.
Bà Lê Thị Phương Thảo - giám đốc điều hành Thaole Entertainment - cho biết từng có nhiều đoàn phim Hollywood liên lạc hợp tác nhưng gặp khó khăn thủ tục.
Bà Thảo nói: "Chúng ta có đầy đủ luật lệ nhưng rất khó để làm. Việc chờ đợi thủ tục có khi kéo dài hơn một năm. Mà việc quay phim ở Hollywood có rất nhiều công đoạn, không thể chờ giấy phép lâu đến vậy được".
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó cục trưởng Cục Điện ảnh, đại diện ban soạn thảo dự luật - phản hồi:
"Việc cấp giấy phép kịch bản cho đoàn phim nước ngoài theo Luật điện ảnh là trong vòng 30 ngày. Chúng tôi không can thiệp vào nội dung và nghệ thuật sáng tạo của cá nhân mà chỉ thẩm định theo quy định của luật.
Vấn đề là các đoàn phim quốc tế vào Việt Nam đang bị cái A xong mới đến B, B xong mới đến C nên quy trình thủ tục bị kéo dài. Họ phải tuân thủ những thủ tục do các luật khác quy định, ví dụ đưa ôtô, máy bay vào Việt Nam, cần sự phối hợp giữa các bộ ngành. Có cách nào giúp họ làm thủ tục cùng lúc mà không phải lần lượt không?".
Gánh nặng hành chính
Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) - đưa ra góp ý cho Luật điện ảnh xoay quanh từ "cởi trói".
Ông Đồng xác định "chân đế" của điện ảnh phải là công nghiệp sản xuất và dịch vụ, ở giữa là phim thương mại và trên đỉnh là phim nghệ thuật. Để "chân đế" ấy được vững chắc và đưa điện ảnh thành một ngành kinh tế phát triển của Việt Nam, cần "cởi trói" bằng cách bỏ bớt một số quy định trong dự thảo.
Ông đề xuất bỏ điều 14 về "Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài" vì Luật doanh nghiệp, Luật dân sự hiện đã đủ điều chỉnh.
Về việc trong dự thảo, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của nước ngoài bao gồm cả kịch bản phim bằng tiếng Việt, ông Đồng cho rằng: "Với doanh nghiệp dịch vụ điện ảnh, luật hiện tại đang tạo thành gánh nặng hành chính. Điều 14 đang yêu cầu phải có kịch bản tiếng Việt được duyệt trước khi phim đi vào sản xuất.
Chẳng hạn phim Hàn Quốc Squid Game của Netflix có khâu đồ họa do nhiều người Việt Nam làm, nếu cũng theo quy định như thế thì phải có kịch bản tiếng Việt nộp lên".
Về phổ biến phim trên mạng, nên bỏ khoản 3, điều 22 về bắt buộc tỉ lệ phim Việt trên dịch vụ VOD; bỏ mục đ, khoản 1, điều 22 về yêu cầu cung cấp công cụ xử lý phim cho cơ quan nhà nước. Về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, ông Đồng cho rằng không nên bắt buộc doanh nghiệp tư nhân phải đóng góp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định lập quỹ hỗ trợ điện ảnh là tâm huyết của ban soạn thảo, của ngành điện ảnh từ năm 2006 đến nay. Thế nhưng, đề xuất huy động đóng góp từ doanh nghiệp vấp phải sự phản đối. Bà Lê Thị Phương Thảo nói: "Rất khó kêu gọi tư nhân đồng lòng vì ai cũng đang vất vả đưa doanh nghiệp mình vượt bão do COVID-19".
Thái Lan hợp tác với hơn 700 đoàn phim quốc tế năm 2019
Trong một tọa đàm góp ý cho luật, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc - người giới thiệu nhiều dự án phim Việt với các nhà đầu tư nước ngoài - đưa ra thông tin Thái Lan thu 150 triệu USD vào năm 2019 nhờ hợp tác sản xuất với 749 đoàn phim quốc tế.
Một số đoàn phim quốc tế muốn quay tại Việt Nam nhưng vì khó khăn thủ tục, họ chuyển qua Thái Lan, Campuchia, Philippines... Một số phim lấy sẵn bối cảnh là Việt Nam trong kịch bản nhưng đành quay ở các nước lân cận để thay thế.
0 nhận xét:
Post a Comment