Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc nữ đạo diễn bị bắn chết khi thực hiện phim "Rust". Theo trang AP, trợ lý đạo diễn không biết khẩu súng đã được nạp đạn thật. Sau đó, diễn viên Alec Baldwin nổ súng bắn vào ngực đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins, người đứng phía sau là đạo diễn Joel Souza cũng bị thương nặng.
Tại Việt Nam, thể loại phim chiến tranh và phim hành động trước nay vẫn được các nhà sản xuất phim, đạo diễn khai thác. Dàn diễn viên tham gia những thể loại phim này đã làm việc nghiêm túc, tâm huyết, đồng thời có cả sự mạo hiểm để đem đến cho khán giả những thước phim chân thực nhưng vẫn phải đảm bảo sự an toàn cho đoàn phim.
Là người thường xuyên góp mặt trong phim chiến tranh, hành động và có những phân cảnh tiếp xúc với súng đạn trên phim trường, NSƯT Mỹ Duyên, diễn viên Quang Hòa đã chia sẻ với Dân Việt về quá trình thực hiện những cảnh mạo hiểm này.
Diễn viên Quang Hòa: Diễn cảnh bắn súng vào kẻ thù nhưng lỡ 1 nhịp thành tự... "bắn" mình
Nam siêu mẫu, diễn viên Quang Hòa từng tham gia các phim: "Con gái ông trùm", "Lật mặt 3", "Cạm bẫy"… Anh chia sẻ: "Tôi là diễn viên thường xuyên tham gia những phim hành động, cả phim rạp và phim truyền hình. Những pha hành động bắn súng đó với tôi "dở khóc dở cười". Hầu như những pha hành động của điện ảnh Việt đều dùng súng gần với súng thật, bắn đạn bi chứ không bắn đạn thật như phim hành động Mỹ, gây ra những tổn thương đáng tiếc cho các đồng nghiệp ở trên phim trường thời gian gần đây.
Diễn viên Việt Nam thường tự diễn với súng, ví dụ bắn rung tay… để khi về hậu kỳ sẽ làm âm thanh và hiệu quả súng bắn. Nhưng cũng có lần tôi tham gia một phim hàng động của đạo diễn Minh Quang, khi đó ê-kíp muốn thu những tiếng súng nổ thật, và khói ra từ súng. Nên đã gắn kíp nổ vào súng tôi bắn và kíp nổ vào áo giáp của diễn viên bị bắn.
Khi ấy có người điều khiển ở xa để cho nổ. Lúc đó, tôi đang đặt súng áp má cho cảnh đe dọa rồi mới chĩa súng bắn, chưa kịp dơ ra bắn thì ê-kíp hậu đài đã cho nổ. Sự việc, tuy không gây thương tích nhưng tiếng nổ cũng đủ làm tôi ù tai 15 phút. Cả đoàn lo lắng chạy tới xem tôi có sao không. Tôi cũng cười vui cho xoa dịu xem như là một kỷ niệm khó quên trên đoàn phim.
Để có cảnh quay thật nhất thường tôi tự làm những cảnh hành động, đấm đá lăn lộn bắn súng, có khi cả đua xe, lái xe tải, xe bus như trong phim "Lật mặt 3" của đạo diễn Lý Hải, hay phim "Cạm bẫy" của đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến. Chỉ trừ những pha cực khó và mạo hiểm, mới cần phải các bạn cascadeur thay thế. Vì để tìm một vóc dáng đóng thế tôi thật cũng không dễ!
Tham gia phim hành động tôi tuy có thương tích nhưng không có thương tích nào quá nặng, chuyện trầy xước thì là bình thường. Tuy vậy, tôi vẫn luôn có một tình yêu giành cho phim hàng động, và luôn mong nền điện ảnh Việt Nam tiến gần hơn với điện ảnh thế giới, về kỹ xảo và những pha hành động!".
NSƯT Mỹ Uyên: Từng nhiều lần "hy sinh" trong dòng phim chiến tranh
Có thể nói NSƯT Mỹ Uyên đại diện cho thế hệ diễn viên quen mặt trong phim đề tài chiến tranh và sau ngày giải phóng. Có thể kể đến các phim "Vì một ngày mai"- đạo diễn Lê Cung Bắc, "Sống trong sợ hãi" - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, "Những đứa con thành phố" - đạo diễn Đỗ Phú Hải…
"Sống trong sợ hãi". Nguồn: VN film
Nữ nghệ sĩ chia sẻ rằng thời đó đóng phim chiến tranh rất cực và vì yêu nghề nên cứ lăn xả bất chấp nguy hiểm. NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ với Dân Việt: "Trong phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có tựa "Sống trong sợ hãi", tôi vào vai chủ tịch xã, mất chồng trong chiến tranh vì bom đạn nên cô trở nên ác cảm với tất cả những ai kiếm sống bằng nghề gỡ bom mìn để lấy vỏ bán ve chai. Đây là nghề nguy hiểm đến tính mạng vì chỉ cần sai chút là bom nổ mất mạng hoặc tàn phế suốt đời.
Cảnh quay khi đó là bom nổ thật khiến mặt mũi diễn viên đen thui, cát bụi bay cả vào trong mắt và miệng, điếc tai rất nguy hiểm. Nhân vật của tôi và của diễn viên Mai Trần sau tiếng nổ đó vẫn xông vào để cứu người và la mắng những người gỡ mìn vì mục đích bảo toàn tính mạng của họ - những con người cùng chịu hậu quả của tàn dư chiến tranh.
Trước mỗi cảnh quay, tổ đạo cụ của đoàn phim phải chuẩn bị đặt thiết bị nổ đúng vị trí và diễn viên phải tập trung để chỉ diễn 1 lần khi bom nổ. Tôi cũng sợ lắm chứ, vì rất nguy hiểm, nhưng đã đam mê thì phải lăn xả vào vai quên cả chuyện may rủi về tính mạng!"
Trong phim "Những đứa con thành phố", NSƯT Mỹ Uyên đóng vai giao liên cùng đồng đội đi cứu Tèo. Nữ nghệ sĩ kể rằng: " Nhân vật cô giao liên này rất gan dạ ôm lựu đạn ném vào vùng địch, rồi bỏ chạy, nhảy xuống sông.
Cảnh quay đó ở Thủ Đức và Nha Trang những năm ấy còn hoang sơ, đường chạy nhiều gai góc kéo trầy xước chân tay. Sau cảnh đó thì cô giao liên … hy sinh nên cảnh quay này phải thực hiện công phu: Khi nghe tiếng súng, tôi diễn hình thể té ngã và đồng thời tay bóp …túi máu đạo cụ cho chảy đỏ rực chiếc áo.
Tiếng súng nổ được ekip chuẩn bị lúc đó là có thật, bụi bay tứ tung và tôi cứ chạy, cứ ngã sao cho tất cả cùng một nhịp, một cảnh quay vì làm phim thời đó không có nhiều kinh phí để thực hiện cảnh cháy nổ lần 2. Vì vậy, mỗi khi thực hiện phim đúng nhịp và muốn an toàn thì diễn viên phải nhớ đúng vị trí của mình, chạy bao nhiêu bước ước chừng bao nhiêu mét là ngã, là súng nổ… Vì thiết kế chuẩn bị từ sớm mọi thứ, diễn viên ra quay thôi nên yêu cầu tất cả các công đoạn đều phải chính xác từng mét.
Tuy nhiên, may rủi trong công việc là điều không biết trước nên khi làm phim thể loại phim chiến tranh có bom đạn thì tôi nghĩ tất cả ekip đoàn phim cần chuyên nghiệp tuân thủ quy định và tôn trọng nhau thì mới an tâm được. Khi đã dựng cảnh xong thì ekip báo diễn viên thực hiện đúng như đã định trước, nếu có thay đổi vì bất cứ lý do gì cũng phải thông báo chứ không thể để sơ sót thì rất khó đảm bảo an toàn tính mạng cho diễn viên!
0 nhận xét:
Post a Comment