Kể chuyện làng: Góc bếp, lẳng lặng nơi tôi trưởng thành ~ Dạy Nối Mi Hà Nôi

Tuesday, October 5, 2021

Kể chuyện làng: Góc bếp, lẳng lặng nơi tôi trưởng thành

Trở về góc bếp tuổi thơ

Những năm trước, đất nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, giai đoạn nhà nhà, người người bắt đầu xây dựng lại tổ ấm sau sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Gia đình tôi cũng vậy, ba mẹ kết hôn cái thời "ăn chưa no, lo chưa tới", mẹ tôi bỏ học, đi bứt chổi rèng, nuôi bò, làm ruộng cùng bà ngoại để chắt chút từng đồng nuôi nấng những đứa em khôn lớn, biết con chữ, không để em út giống như mình.

Ba tôi cũng lớn lên trong gia đình khó khăn, là người anh cả trọng trách nhiệm, gánh vác nuôi em. Người anh cả, cô chị đầu, dắt nhau về chung mái nhà với gia sản "hai bàn tay trắng". Ngôi nhà nhỏ của ba mẹ xây đắp lên vỏn vẹn một gian nhà, thời đó, hai người lam lũ làm đủ nghề từ làm ruộng thuê, gánh hàng rong bán, đi biển… những cái nghề "không tên" đã xây dựng tổ ấm nho nhỏ, không lớn nhưng đủ tình thương. Sau những năm vật vã, gian nhà cũng được mở rộng, lúc đó tôi bắt đầu chập chững biết đi, nhớ hồi đó khói bếp khiến sóng mũi cay cay, những câu nói bập bẹ, ú ớ ở góc bếp khiến mẹ vui đến nhường nào.

Kể chuyện làng: Góc bếp, lẳng lặng nơi tôi trưởng thành - Ảnh 1.

Nồi cá kho của mẹ. (Ảnh An Nhi)

Gian bếp đơn sơ, vọn vẻn, gọn nhỏ trong một gian nhà, mái lợp bằng xi-li-cát, những ô vuông nhỏ giúp thoát khói và điều không thể thiếu là bếp nấu xây từ xi măng, gạch đá. Lam lũ năm tháng, ba mẹ dần dần hoàn thiện và mua thêm vật dụng, đồ dùng nấu ăn. Từ những bát cơm sứt mẻ miệng, xoong đúc, kiềng đựng xoong, hay những vỏ thông nhóm lửa, củi đốt được mẹ tôi chuẩn bị tươm tất. Cảm giác vất vả nhất là những bó củi ba mẹ tôi kiếm từ nhiều nơi, chẻ, phơi khô qua hai ba nắng. Sự chịu khó đã tạo nên gian bếp luôn ăm ắp củi, mẹ tôi còn dành dự trữ, xếp củi thành những bao lớn, tránh củi mục và để thổi vào mùa mưa lũ khi mùa đông tới, mẹ tôi là người cẩn thận, kĩ tính như vậy.

Kể chuyện làng: Góc bếp, lẳng lặng nơi tôi trưởng thành - Ảnh 2.

Năm tháng ấy, có những thứ gắn bó sâu nặng với tuổi thơ. (Ảnh An Nhi)

Lúc ấy, tôi còn bé xíu, trông ngồi đợi ba mẹ nấu xong tự ăn. Mẹ kể: "Lúc con nhỏ vì gia đình khó khăn, những thức ăn mẹ mua không được nhiều, đơn sơ và ít dinh dưỡng, cũng từ đó hai chị em con thích nghi, mỗi lần mẹ xới cơm hay nấu cháo con thủi thui tự múc ăn sạch bóng chén, đưa chén mẹ cất và hô lớn vọng ra góc bếp "mẹ hơi, con ăng no hoi". Bập bẹ những câu nói chưa tròn trĩnh của tôi và chị khiến ba mẹ cười vui suốt ngày.

Trưởng thành, nhớ góc bếp khôn nguôi

Kể chuyện làng: Góc bếp, lẳng lặng nơi tôi trưởng thành - Ảnh 3.

Góc bếp, hương vị xưa cũ vấn vương. (Ảnh An Nhi)

Tuổi thơ tôi đắm chìm hương khói bếp, mùi cơm cháy vẫn ở đó gây chút vấn vương. Lớn lên khi đã phụ được ba mẹ nấu cơm, góc bếp giờ thành đôi bạn tri kỉ. Nhớ bạn tôi nhớ những tháng ngày vất vả của ba mẹ, nhớ bạn tôi nhớ những trưa hè oi bức nấu bữa cơm vội nhanh tránh khói bếp nóng, nhớ bạn tôi nhớ mùa đông bạn sưởi ấm cho gia đình tôi, những vết cọ nồi in sâu trên khuôn mặt khiến cả nhà cười ầm ĩ, cả nữa những lần chơi quẹt nhọ nồi mỗi khi thua trò chơi nào đó với chị và những đứa bạn.

Vẫn nhớ hồi ấy, nấu thức ăn, tôi đưa nồi lẫn kiềng lên bếp, quay lại, kiềng đựng xoong đã cháy hết, cả những lần quên để cháy thức ăn, giấu giấu, giếm giếm, lo sợ mẹ mắng, nhiều lúc bỏ thêm nước vào đỡ bớt nhưng mùi khét vẫn còn vì tội ham chơi, mẹ biết la một trận té khói. Mùa đông nấu ăn, ngồi trong bếp không muốn rời chân, lửa ấm lan góc bếp, nấu xong, ba tôi gạt than hồng vừa sưởi vừa ăn cơm, nhiều khi tôi ngồi lì góc đó, tránh cái lạnh buốt.

Đôi khi tôi cũng giận bếp vì phải dành thời gian cho nó khá nhiều, không giống như bếp gas thời hiện đại, nấu ăn ở góc bếp buộc tôi và chị gái phải nhóm lửa, đun củi đợi đồ ăn, chỉnh chu, canh lửa để đồ ăn chín đều, hết củi phải chẻ. Mùa hè đi học về trưa, hì hục lăn vào bếp, cái nóng làm tôi và chị đổ mồ hôi, mẹ tôi đi làm về trưa nhưng đã kịp chuẩn bị đồ ăn, tôi và chị chỉ việc nấu, ăn vội bát cơm nóng để kịp chuyến xe buýt cho buổi học buổi chiều. Xưa hai chị em thay phiên nhau nấu ăn, lịch học của chị và tôi xen kẽ nhau nên đỡ về thời gian. Trong nhà, ba tôi đứng bếp và nấu ăn nhiều nhất, ba đứng đầu trong danh sách nấu ăn ngon, tiếp đến là chị, mẹ và tôi xếp hạng cuối nhà, mỗi lần ba nấu ăn, cả nhà no nê căng bụng.

Kể chuyện làng: Góc bếp, lẳng lặng nơi tôi trưởng thành - Ảnh 4.

Góc bếp tri kỉ gắn liền với thanh xuân của tôi. (Ảnh An Nhi)

Nơi góc bếp đã chứng kiến sự trưởng thành của tôi như hôm nay, xuất phát từ khó khăn giúp gia đình tôi vững chắc hơn. Góc bếp xưa vẫn ở đó, ẩn sâu màu đen của thời gian gắn bó, vẫn sát cánh bên gia đình tôi, vẫn là người bạn tri kỉ của tôi hồi nào, theo dõi, rảo bước trên đường đời tôi.                                                                                                                                                   

0 nhận xét:

Post a Comment

 

Day Noi Mi | Hoc Noi Mi | Noi Mi Dep | Noi Mi Lan Anh | Dạy Nối Mi | Day Noi Mi Mat | Day Noi Mi Dep Tu Nhien | Day Noi Mi Ha Noi | Day Ve Mong

Day Noi Mi Ha Noi / Cho Dien Tu Online / CPU May Tinh Ha Noi