Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử: Không thể để "virus văn hoá độc hại" này lây lan! ~ Dạy Nối Mi Hà Nôi

Saturday, October 2, 2021

Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử: Không thể để "virus văn hoá độc hại" này lây lan!

Liên quan đến việc trailer và những dòng quảng cáo bộ phim "Quân đội Vương Bài" của Trung Quốc gây nhiều bất bình vì xuyên tạc lịch sử, chuyên gia văn hoá Ngô Hương Giang đã có cuộc trò chuyện đầy thẳng thắn với Dân Việt.

Mấy ngày qua, trailer bộ phim “Quân đội Vương Bài” của nhà sản xuất tại Trung Quốc gây bất bình trên mạng xã hội Việt Nam khi có nhiều yếu tố mang tính xuyên tạc lịch sử. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?

Sau khi mạng xã hội Baidu của Trung Quốc công chiếu trailer phim “Quân đội Vương Bài” và đặc biệt là đoạn “quảng cáo” mang tính xuyên tạc lịch sử xuất hiện trên trang mạng Weibo về bối cảnh cũng như ý đồ của bộ phim trên, tôi tin chắc rằng, không chỉ riêng tôi mà bất cứ người Việt Nam nào cũng bất bình, không thể chấp nhận được việc tồn tại, phát tán một bộ phim “đổi trắng thay đen” về lịch sử chiến tranh biên giới như vậy.

Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử: Không thể để "virus văn hoá độc hại" này lây lan! - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang. Ảnh: NVCC.

Làn sóng “tẩy chay” bộ phim “Quân đội Vương Bài”, yêu cầu cấm chiếu trên mọi nền tảng mạng xã hội là đúng và cần thiết. Vì đây không chỉ đơn thuần là một bộ phim mà còn là cách truyền bá văn hoá bành trướng, một “kiểu tâm lý chiến” bất chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế.

Theo ông, đoạn quảng cáo phim “Quân đội Vương Bài” trên trang mạng Weibo sẽ tạo nên những mối nguy hại nào trong việc nhìn nhận sai lệch về lịch sử?

Theo như phần quảng cáo cho bộ phim “Quân đội Vương Bài” của một tài khoản xuất hiện trên mạng xã hội Weibo - một nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc thì: “Phim Vương Bài lấy bối cảnh phim là những năm 1980, khi lực lượng quân sự của Việt Nam mạnh lên không ngừng, họ cũng bắt đầu có ý nghĩ xấu đối với lãnh thổ của Trung Quốc và phát động một loạt cuộc quấy rối và xâm phạm biên giới của Trung Quốc…”, cho thấy, rõ ràng bộ phim này là một kiểu “tuyên truyền tâm lý chiến”, xuyên tạc lịch sử và xâm phạm trực tiếp đến “thể diện” quốc gia của chúng ta. 

Đây không còn là ý đồ mà là một chiến lược “thực thi quyền lực mềm văn hoá” rất quen thuộc của Trung Quốc đối với các quốc gia khác. Nói thẳng, bộ phim “Quân đội Vương Bài” là một sự “dựng chuyện” có mục đích lợi ích quốc gia rõ ràng của nhà sản xuất phim Trung Quốc. Điều này là không thể chấp nhận được.

Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử: Không thể để "virus văn hoá độc hại" này lây lan! - Ảnh 2.

Những hình ảnh và đoạn quảng cáo phim "Quân đội Vương Bài" mang tính xuyên tạc lịch sử trên mạng Weibo. Ảnh: TL.

Theo ông, khán giả Việt nên ứng xử như thế nào với những bộ phim như thế này?

Với những bộ phim xuyên tạc lịch sử, thực hiện chiến lược tuyên truyền cho chính sách “bá quyền” như “Quân đội Vương Bài” cần bị cấm chiếu ở tất cả các nền tảng xã hội, cũng như ở tất cả các quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có phương án ngăn chặn “kịp thời”.

Còn với khán giả Việt Nam, việc lựa chọn tiếng nói “phản bác” lại luận điệu tuyên truyền của bộ phim trên cũng chính là thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước. Ngoài việc báo cáo lên nhà cung cấp các nền tảng xã hội, việc không xem bộ phim trên cũng là cách chúng ta không để lọt loại “virus văn hoá độc hại” này xâm nhập và lây lan sâu trong “bầu khí quyển lịch sử trong lành” của chúng ta. Chúng ta không cần và không nên vì “lợi ích ngoại giao hình thức” mà làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, sự tự tôn dân tộc. Độc lập chủ quyền và thể diện quốc gia là những điều bất khả xâm phạm.

Nhìn rộng ra hơn là thời gian gần đây, nhiều bộ phim của nước ngoài thường cài cắm những chi tiết không đúng về chủ quyền lãnh thổ và lịch sử của Việt Nam. Chúng ta nên làm gì để ngăn chặn sự lây lan của loài “virus văn hoá độc hại” này?

Đứng về mặt quản lý nhà nước, tôi mong rằng, các cơ quan giúp việc, tham mưu cho Chính phủ, Nhà nước nên có những biện pháp cứng rắn không chỉ đơn thuần là “kiểm duyệt” mà cần ngăn chặn từ xa những dòng phim kiểu tuyên truyền với mục đích xấu như “Quân đội Vương Bài”.

Bởi vì đây không còn là câu chuyện thuộc về văn hoá - nghệ thuật nữa mà còn là ý đồ chính trị. Việc xuyên tạc sự thật lịch sử này của bộ phim trên còn nguy hiểm hơn là thực hiện một cuộc chiến tranh trên thực địa, bởi vì nó có thể làm ảnh hưởng tới nhận thức của rất nhiều thế hệ, cũng như ảnh hưởng tới cách “người nước ngoài” nghĩ về đất nước chúng ta.

Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử: Không thể để "virus văn hoá độc hại" này lây lan! - Ảnh 3.

Trang phục của nhân vật trong phim "Quân đội Vương Bài" cũng trùng khớp với quân phục giai đoạn Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, việc chúng ta “tắt máy” không xem những bộ phim kiểu như trên, cũng là cách chúng ta tự đề kháng với loại “virus văn hoá độc hại” đến từ bên ngoài. Tắt máy, thực hiện báo cáo lên nhà cung cấp các nền tảng mạng xã hội, chính là cách chúng ta bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hợp hiến của con người, đất nước Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang thiếu những bộ phim về lịch sử dân tộc đủ tầm để thế hệ trẻ họ có cái nhìn đúng đắn về lịch sử cũng như mang tác phẩm đó ra thế giới. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng nhận định này đúng. Trong rất nhiều cách thức để đề kháng, chống lại sự xâm chiếm của “virus văn hoá độc hại” núp bóng dưới dạng nghệ thuật phim ảnh, thì việc chúng ta sản xuất các bộ phim có tầm ảnh hướng lớn, phản ánh trung thực lịch sử về các cuộc chiến tranh mà nhân dân, đất nước Việt Nam từng chịu nhiều đau thương mới có được chính là “liều vaccine” hữu hiệu nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, không chỉ trên thực tế mà còn là ở trong “lập trường tư tưởng”, trong sự kiên định chân lý đối với lợi ích quốc gia, tự hào dân tộc.

Ông có nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có sự nới lỏng luật để các nhà làm phim tư nhân và độc lập họ thoải mái hơn trong việc lồng các yếu tố về tuyên truyền chủ quyền, tinh thần dân tộc và lịch sử các cuộc chiến trong phim để giáo dục trực quan đến thế hệ trẻ?

Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng – một thế giới mà tất cả các quốc gia đều bình đẳng trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối quyền chủ quyền về lãnh thổ, về thể chế xã hội và luật pháp quốc tế. Việc một quốc gia này “núp bóng” nghệ thuật điện ảnh để thực hiện “tâm lý chiến” với một quốc gia khác là không thể chấp nhận.

Phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử: Không thể để "virus văn hoá độc hại" này lây lan! - Ảnh 4.

Những bộ phim từng gây bất bình vì chứa "đường lưỡi bò phi pháp". Ảnh: TL.

Vì vậy đã đến lúc chúng ta cần phải “gỡ rào”, “mở lối” cho điện ảnh nước nhà, để các nhà làm phim có thể vừa phản ánh được thành tựu phát triển của đất nước trong hiện tại, nhưng cũng vừa giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau. Kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích lãnh thổ bất khả xâm phạm mà các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh thân mình bảo vệ. 

Chống lại “virus văn hoá độc hại” đến từ bên ngoài không nên chỉ có mỗi “khoanh vùng”, “cảnh báo”, mà đôi khi rất cần đến “tấn công trực diện” thì mới đẩy lùi được loại "virus độc hại" đó ra khỏi lãnh thổ đất nước. 

Chúng ta cần nhớ rằng, không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh văn hoá, vì văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Một khi sức mạnh văn hoá bị ảnh hưởng, bị xuyên tạc thì chắc chắn sẽ tác động xấu đến nhuệ khí của mỗi người dân. 

Đó là lý do tại sao “thực thi quyền lực mềm” chính là sách lược ngoại giao xuyên suốt của Trung Quốc diễn ra cả thập niên nay. Và chúng ta cũng cần nhớ thêm rằng, độc lập chủ quyền và toàn vẹn đất nước không chỉ có ở trên lãnh thổ, mà độc lập chủ quyền và toàn vẹn đất nước còn nằm ở “không phận” văn hoá nữa. Cả hai đều quan trọng như nhau.

Xin cảm ơn ông!

0 nhận xét:

Post a Comment

 

Day Noi Mi | Hoc Noi Mi | Noi Mi Dep | Noi Mi Lan Anh | Dạy Nối Mi | Day Noi Mi Mat | Day Noi Mi Dep Tu Nhien | Day Noi Mi Ha Noi | Day Ve Mong

Day Noi Mi Ha Noi / Cho Dien Tu Online / CPU May Tinh Ha Noi