Trấn Thành trong phim "Bố già" - Ảnh: ĐPCC
Nhân sự kiện Viet Film Fest diễn ra tại Mỹ từ ngày 15 đến 30-10, Trấn Thành có cuộc phỏng vấn với tạp chí trực tuyến Salon.com hôm 21-10. Diễn viên kiêm đồng đạo diễn phim Bố già (Dad, I'm Sorry) nói về chủ đề của phim và mối quan hệ cha mẹ - con cái ở phương Đông, phương Tây.
Đây là lần mới nhất Bố già được chiếu ở Mỹ sau khi ra rạp thương mại tại Mỹ hồi tháng 6.
"Bộ phim đề cao lòng kính trọng và lòng tốt, sự hiếu kính đối với cha mẹ. Đó là thông điệp đơn giản nhưng khiến người xem rơi nước mắt. Tại sao chủ đề này lại bền vững đến vậy?" - Salon.com đặt câu hỏi.
Trấn Thành nói: "Chúng ta đều yêu cha mẹ rất nhiều. Nhưng đôi khi chúng ta quá cố chấp về những gì mình có hoặc muốn mà không lắng nghe hoặc thừa nhận cảm xúc của cha mẹ. Khi lạc lối, con người ta nhìn lại những gì đã mất. Thông điệp của phim là chúng ta có thời gian, nhưng cha mẹ thì không".
Trailer Bố già (Dad, I’m Sorry) tại Mỹ, phim do 3388cine phát hành
Anh chỉ ra nghịch lý về mối quan hệ khi con cái khôn lớn còn cha mẹ đã già: "Cha mẹ muốn mọi thứ tốt nhất cho con cái, còn con cái muốn cha mẹ tự tận hưởng cuộc đời của họ vì họ đã dành nửa đời hy sinh cho chúng ta.
Nhưng rất nhiều phụ huynh Việt Nam không muốn tận hưởng. Họ muốn sống hai cuộc đời: một của mình, một của con cái. Con cái muốn cha mẹ nghỉ hưu, nhàn hạ và tiêu tiền cho bản thân. Trong gia đình tôi, tôi muốn cha mẹ tôi hãy tiêu tiền của tôi và tận hưởng cuộc sống. Tại sao họ luôn phải chịu đựng và hy sinh?".
"Bố già" ra rạp thương mại tại Mỹ hồi tháng 6, gần đây được chiếu trong sự kiện Viet Film Fest - Ảnh: ĐPCC
Khi chiếu tại Mỹ, Bố già không chỉ có khán giả người Việt, gốc Việt đến xem mà còn thu hút người Mỹ, phương Tây. Có những khán giả nhận xét: "Gia đình tôi cũng giống như trong phim".
Trấn Thành cho biết, mặc dù phim dựa trên tuổi thơ của anh và chuyện gia đình anh, phim vẫn hướng đến đông đảo khán giả. Anh mong khán giả phương Tây cũng tìm thấy mình trong bộ phim.
Sự khác biệt giữa Đông và Tây là những người con ở phương Tây sống độc lập với cha mẹ, trong khi ở Việt Nam dễ tìm thấy những gia đình nhiều thế hệ chung sống. Thế nhưng, mâu thuẫn và suy nghĩ khác biệt giữa các thế hệ là điều người ta có thể đồng cảm.
Hai cha con hay cãi nhau trong "Bố già" - Ảnh: ĐPCC
Đại diện điển hình là ông Ba Sang bao đồng và con trai Quắn ích kỷ. Hai nhân vật lấy cảm hứng từ Trấn Thành và cha anh ngoài đời. Anh cho biết cha anh yêu thương con nhưng cách thể hiện lại trái ngược, và cả hai cứ nói chuyện được 5 phút là cãi nhau.
Salon.com nhận xét Bố già là một bộ phim giàu năng lượng: "Khi câu chuyện trở nên bi kịch hơn, nhịp phim chậm lại để khắc họa các mối quan hệ, và nó khá cảm động".
0 nhận xét:
Post a Comment