Buổi hòa nhạc của Lil Nas X diễn ra trong thế giới ảo của Roblox lôi kéo tới 33 triệu khán giả - Ảnh: Roblox
Đó không phải là một MV hay một giấc mơ, mà là một thực tế - chính xác hơn là một thực tế ảo - trong tour diễn mà Ariana Grande kết hợp với trò chơi sinh tồn trực tuyến cô yêu thích mang tên Fortnite, một trò chơi lấy bối cảnh Trái đất sau cơn đại họa khiến 98% dân số loài người biến mất.
Nhiều khán giả thừa nhận họ đã rớm nước mắt vì xúc động khi giọng hát của nữ ca sĩ cất lên và cô hoàn toàn tự do trong bối cảnh đồ họa hoàn hảo.
Ariana Grande - 7 rings
1. Nếu tin tức công ty mẹ của Facebook được đổi tên thành Meta có ý nghĩa gì đối với ngành âm nhạc, thì chính là trong tương lai, chúng ta sẽ bắt đầu thường xuyên thấy những ngôi sao nhạc pop cưỡi kỳ lân, đi xuyên vũ trụ hay đeo cánh bay tung tăng tựa nàng tiên Tinkerbell như vậy.
Với cái tên Meta, Mark Zuckerberg ấp ủ kiến tạo nên một "metaverse" - đa vũ trụ ảo nơi mọi cộng đồng được kết nối lại thành một thực thể liền mạch - và cũng như nó có khả năng thay đổi mọi thứ hoàn toàn, nó có khả năng thay đổi âm nhạc hoàn toàn.
Thật ra không phải đợi đến khi ông chủ Facebook bày tỏ tham vọng với metaverse mà thuật ngữ này mới xuất hiện trong thị trường âm nhạc. Bạn cho rằng một buổi hòa nhạc của ban nhạc The Rolling Stones vào năm 2006 bên bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro thu hút đến hơn 1,5 triệu người đã là khủng khiếp?
Vậy bạn nghĩ sao nếu như một buổi hòa nhạc của Lil Nas X kéo dài trong 2 ngày và lôi kéo tới 33 triệu khán giả, tức là gấp 5 lần dân số Rio, và chừng ấy khán giả đều có "vé" ở khán đài A?
Buổi hòa nhạc của Lil Nas X tất nhiên không thể diễn ra trên bãi biển Copacabana, mà nó diễn ra trong thế giới ảo của Roblox, một trò chơi trực tuyến với hơn 164 triệu người chơi mỗi tháng.
Và tháng 7 năm nay, Roblox đã ký một hợp đồng cộng tác lâu dài với Sony Music để cùng nhau tạo nên những trải nghiệm âm nhạc chưa từng có xoay quanh các nghệ sĩ do Sony quản lý.
2. Ta luôn một mực cho rằng những trải nghiệm âm nhạc giả lập làm sao sánh nổi với trải nghiệm âm nhạc thực thụ, nơi bạn phải chen lấn để có được một tấm vé, nơi bạn được thấy thần tượng bằng xương bằng thịt hay được đu đưa cơ thể theo nhịp điệu. Nhưng phải chăng ta đã nhầm?
Sự xúc động của trải nghiệm âm nhạc thực tế đến từ sự hạn chế: ta cảm thấy đặc biệt vì là một trong số ít những người có thể ở đây, lúc này, với nhân vật này.
Sự xúc động của trải nghiệm âm nhạc ảo lại đến từ sự vô tận: những ngôi sao có thể xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, với mọi bối cảnh, không bị ràng buộc nào về vật lý.
Nói như rapper Travis Scott thì vũ trụ âm nhạc ảo là một thế giới mà bình thường "phép tắc không cho ta tạo ra, những nhà chức trách về phòng cháy chữa cháy không cho ta tạo ra, những quy chuẩn xây dựng không cho ta tạo ra" và chính vì thế, nó đưa ta "đi lên đỉnh" và "có được niềm vui không giới hạn".
Niềm vui không giới hạn và doanh thu cũng là không giới hạn. Travis Scott đã kiếm được tới 20 triệu USD chỉ sau 9 phút biểu diễn trong một đêm nhạc ảo của Fortnite. Với một tiềm năng như vậy, ta chẳng biết vũ trụ ảo là tốt hay xấu nhưng một điều chắc chắn, nó là tương lai không thể né tránh.
0 nhận xét:
Post a Comment