Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 nhận được 284 tên sách và bộ sách dự giải, bao gồm 365 cuốn của 47 nhà xuất bản. Hội đồng Chung khảo là các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn đầu ngành đã xem xét, đánh giá, đề xuất trao giải cho gần 30 cuốn sách, bộ sách có giá trị cao. Hội nghị Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã bỏ phiểu nhất trí trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 4 cho 25 bộ sách, cuốn sách.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia thì trong 25 bộ sách – cuốn sách được trao giải thưởng Sách Quốc gia lần này có cuốn "Bài thơ của một người yêu nước mình" của nhà thơ Trần Vàng Sao.
Tập thơ "Bài thơ của một người yêu nước mình" của nhà thơ Trần Vàng Sao được xuất bản vào năm 2020. Tập thơ gồm 32 bài thơ, trong đó có những bài thơ đã in trên một số báo và tạp chí cùng nhiều bài thơ chưa được công bố do gia đình lưu giữ, như: Đồng chí, Những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ, Nhớ Ức Trai, Khoảng trống ngoài sân khấu, Mạ ơi, Gọi tìm xác đồng đội, Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình…
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể, năm 2019, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đến NXB Hội Nhà văn gặp ông, trên tay cầm một tập bản thảo. Quen biết nhau từ nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Khoa Điềm thấy "tiền bối" xuất hiện như vậy.
"Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói với tôi rằng, ông muốn NXB Hội Nhà văn in tập thơ này bởi đó là những bài thơ của một người yêu nước với cuộc đời quá nhiều thăng trầm. Đó là tập bản thảo những bài thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao. Toàn bộ những bài thơ trong tập này là do nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm tuyển chọn.
Năm ngoái, khi biết tin NXB Hội Nhà văn sẽ in tập thơ của Trần Vàng Sao, có một vài người khuyên tôi nên cân nhắc. Nhưng Nhà xuất bản đã quyết định cho ra mắt tập thơ này và tôi tự nguyện viết đôi dòng "lời tựa" cho tập thơ", nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Dân Việt.
Lời tựa do nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết trong tập thơ của Trần Vàng Sao có những dòng đầy tâm huyết: "Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không hề theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào... Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, dày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông….Và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông".
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo cũng cho rằng, thơ của Trần Vàng Sao mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống, gần gũi với nhân dân, nhất là giới cùng đinh, thấp cổ bé miệng, sống tận đáy xã hội. Văn phong của thơ ông trong sáng, giản dị mà vô cùng sâu sắc. Trần Vàng Sao sử dụng ngôn từ bình dân nhưng bác học, trải nghiệm những thực tế mà ông đã sống, chiến đấu… Thơ ông đã vẽ nên một bức tranh sống động của một đất nước lầm than ngập chìm trong chiến tranh, nghèo đói và lạc hậu với một ước mơ muôn đời là hoà bình và no ấm.
"Người ta có thể nghĩ khác về ông, cho thơ ông là có vấn đề, nhưng ông vẫn tự tại, tự tại sống, tự tại làm thơ, và bạn bè muôn nơi vẫn đến với ông. Bởi vì ông là nhà thơ biết yêu nước mình, thật sự yêu nước mình…", nhà thơ Nguyễn Miên Thảo bày tỏ.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh rằng, việc Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia quyết định trao giải cho tập thơ "Bài thơ của một người yêu nước" của nhà thơ Trần Vàng Sao là một điều vô cùng đặc biệt. Sự đặc biệt đó làm nên một phần giá trị của giải thưởng.
Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật Nguyễn Đính (1941 – 2018), quê quán làng Đông Xuyên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế. Ông lớn lên và sinh trưởng tại Huế. Đầu những năm 60, đi theo tiếng gọi đấu tranh phong trào của sinh viên - học sinh Huế, ông tham gia phong trào với nhiệt huyết yêu nước nồng nàn. Những năm tháng đó đã để lại cho ông một "gia tài" thi ca nho nhỏ. Trần Vàng Sao từng được người đọc biết đến với "Bài thơ của một người yêu nước". Bài thơ này được chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX.
0 nhận xét:
Post a Comment