Xin chào chị Trương Ngọc Ánh, chị có cảm nhận thế nào khi lần đầu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc?
- Rất lâu rồi mới có một kỳ Hội nghị văn hóa toàn quốc, có các lãnh đạo cấp cao Nhà nước tham gia, bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đổi mới đầu tư hơn về mặt văn hóa. Vì văn hóa là nền tảng của đất nước con người, nếu phát triển tốt thì cũng là mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế.
Tôi rất mong sau kỳ đại hội này sẽ đổi mới thật sự như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi tâm đắc: "Nền tảng của văn hóa chính là con người, con người được trau dồi được phát triển tốt cũng là văn hóa, các văn bản luật lệ của ngành văn hóa được củng cố để không chồng chéo mà rành mạch để người làm nghề tuân thủ rõ ràng hơn".
Đây là sự quan tâm đúng đắn của lãnh đạo. Bây giờ, những nghệ sĩ, người làm nghề chỉ cần trau dồi thêm về đường lối chính trị thì cũng có thể để họ tham gia vào công tác điều hành lãnh đạo vấn đề văn hóa văn nghệ.
Tôi thấy kỳ họp có nhiều cởi mở mới mẻ, những đại diện tham dự đều có mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn về ngành văn hóa. Vì mảng văn hóa, văn nghệ chưa được đầu tư đúng mức, chưa đồng bộ nhất định. Tôi mong sau Hội nghị sẽ có sự đầu tư quan tâm hơn để ngành văn hóa phát triển hơn.
Với Hội nghị này, tôi tham gia chủ yếu để nghe phát biểu của các cấp lãnh đạo. Tôi hy vọng Hội nghị sẽ thay đổi 5 năm diễn ra 1 lần, chỉ dẫn đường lối chính sách cũng như có những bài tham luận của các lãnh đạo các cấp.
Tôi tham gia lần đầu và rất mừng là Hội nghị nhận được sự quan tâm. Hy vọng sau kỳ Hội nghị Văn hoá toàn quốc, ngành văn hóa có bước chuyển mình thay đổi.
Tôi có nghe đại biểu Hàn Quốc từng phát biểu: "Một nhóm nhạc Kpop Hàn Quốc đóng thuế cho Nhà nước bằng 1 nhà máy sản xuất xe hơi. Điều này chứng tỏ, làng giải trí Hàn quốc đã trở thành 1 ngành công nghệ". Tôi nghĩ, đây là ẩn dụ, nếu Việt Nam cũng đầu tư giải trí thành công nghệ thì cũng sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế.
Việc xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới là một trong các vấn đề được đưa ra trong Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa qua. Nổi bật là tham luận của TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ Trưởng Vụ Gia đình có chỉ ra rằng: "Gia đình sống ở khu vực có mức độ đô thị hóa thấp thường có xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống, còn ở nhóm gia đình sống ở nơi có đô thị hóa cao hoặc có thu nhập cao dễ chấp nhận các giá trị gia đình hiện đại (giá trị mới). Nói cách khác, xã hội Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển từ các giá trị gia đình truyền thống sang hiện đại mới". Ý kiến của chị về nhận định này như thế nào?
- Cá nhân gia đình tôi vẫn giữ giá trị truyền thống kết hợp với sự tiếp cận tiên tiến cập nhật liên tục những xu hướng mới. Vì tôi thấy giá trị truyền thống của mình mang nhiều nét đẹp, nhiều cái hay.
Ví dụ, ngày Tết con cháu tề tựu thăm hỏi ông bà, con cháu phải biết kính trên nhường dưới, cha mẹ luôn lo cho con cái cả khi về già, đó là truyền thống Việt, cần phải gìn giữ. Những điều hội nhập, tiếp cận cái mới, hội nhập tân tiến thì cần phải làm nhưng có rất nhiều thứ là giá trị truyền thống thì cần phải gìn giữ.
Đi qua trận đại dịch vừa qua, tôi cảm nhận mỗi người trong chúng ta có tinh thần tương thân tương ái, "lá rách đùm lá nát" thì mới đi qua đại dịch, cả nước chung tay cứu trợ trong nguy hiểm. Tôi chứng kiến nhiều thanh niên trẻ tuổi trốn gia đình xông pha tuyến đầu theo tinh thần trách nhiệm với sự chia sẻ của người công dân. Tôi cho rằng, tinh thần rất quý của người Việt là đây và không có sự phân biệt giàu nghèo.
Tôi luôn làm việc với người trẻ để cập nhật xu hướng mới và song song đó kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống của người lớn cũng là điều tôi học.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: NVCC
Với nhận định: "Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh sản, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Thậm chí, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, từ đó dẫn đến đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, suy yếu động lực phát triển của đất nước", quan điểm của Trương Ngọc Ánh thế nào?
- Thực ra, nền tảng phát triển văn hóa, vẫn là vấn đề con người. Quản trị con người là khó khăn nhất. Ví dụ gia đình tôi là 3 thế hệ cần 1 người giữ lửa, cầu nối. Con gái tôi học trường Tây từ nhỏ quan điểm rất khác biệt với bố mẹ nên tôi giữ vai trò cầu nối hai bên. Tôi giáo dục con cái truyền thống gia đình như: chào ông bà bằng tiếng Việt, ăn cơm xong phải dọn chén bát xuống bếp… Đó là những ví dụ nhỏ về việc giáo dục con người từ bé.
Còn trong gia đình hiện đại hôm nay phải có sự đồng lòng tập luyện gìn giữ những thói quen nếp sống. Giữa thời buổi chuyển đổi số công nghệ, kinh tế phát triển quá nhanh nên đôi khi con người không gìn giữ những nét truyền thống của gia đình.
Cá nhân tôi nghĩ nếu có thể mỗi gia đình có được quy định về bữa cơm gia đình, chính những bữa ăn sẽ là kết nối các thành viên. Nhịp sống hiện đại, nhu cầu kinh tế sẽ rất dễ làm mai một truyền thống gia đình, đây là thực tế đáng báo động.
Cá nhân tôi những ngày nghỉ, tôi hạn chế vào các mạng xã hội, tránh tiếp xúc tin tiêu cực, mà cần tích lũy năng lượng tốt. Thực trạng thông tin tràn lan mạng xã hội có tác động lớn là điều đáng báo động nên mỗi người cần ý thức gìn giữ để không làm mai một giá trị truyền thống. Từng gia đình cần cảm nhận, thay đổi để giữ gìn giá trị cốt lõi văn hóa trong gia đình mình thì mới thay đổi được.
Tự mỗi gia đình cần đặt ra tiêu chuẩn, nề nếp để gìn giữ tình cảm gia đình, sự trao đổi thông tin càng nhiều thì sự quan tâm càng nhiều.
Tôi nhớ gia đình tôi hồi ở Hà Nội, khi ông bà tôi còn sống thì 8 gia đình anh em con cháu vào mùng 1 Tết cứ lên Lăng Bác chụp hình kỷ niệm rồi cùng nhau xem lại. Những album ảnh rất quý vẫn còn cất giữ. Bây giờ, nhịp sống hiện đại, mọi người chụp hình ảnh bằng điện thoại, lưu trên đó nên nếp nhà này cũng thay đổi. Thế nên quan trọng là mình thay đổi nhưng vẫn không bị cuốn theo sự quay cuồng của nhịp sống hiện đại.
Chị có ý kiến gì về giá trị gia đình trong cuộc sống hiện nay?
- Theo tôi quan trọng là nhận thức giáo dục con cái trong mỗi gia đình. Tôi thấy có gia đình một người bạn đi học bên Tây về, bố mẹ rất hiện đại, nhưng cuối tuần dành thời gian cùng nhau xem phim. Hôm nay, cả nhà coi phim bố thích, hôm sau cả nhà coi phim mẹ thích, sau cùng cả nhà cũng coi phim mà con thích và họ vui vẻ vì điều này. Họ chia sẻ cảm nhận cùng nhau về bộ phim. Cả nhà chia sẻ những khoảnh khắc cuộc sống cùng với nhau. Nề nếp gia đình rất tốt và các con của gia đình này rất thành công, rất hòa nhã trong cuộc sống như giúp đỡ người già, chia sẻ với người khó khăn.
Từ đó tôi cho rằng, bố mẹ cần giáo dục con cái từ nhỏ. Tất nhiên sẽ có lý do về áp lực kinh tế và các lý do khác nữa, thế nên mới gọi là xã hội sẽ có nhiều kiểu gia đình khác nhau. Giá trị cốt lõi của mỗi gia đình sẽ từ quan niệm tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Cũng có gia đình bằng mọi sức cố gắng vươn lên về kinh tế cho tương lai con họ tốt hơn… nên mỗi gia đình góp thành muôn mặt trong xã hội.
Quan trọng là sự nhận thức của mỗi bậc phụ huynh giải quyết và gìn giữ giá trị truyền thống ra sao. Sự nhận thức của tôi có lẽ là do tôi già trước tuổi, bố mẹ cực kỳ tin tưởng, tôi ý thức được sự tin tưởng nên càng trách nhiệm với cuộc đời của chính mình.
Tôi không sinh ra trong gia đình giàu có sẵn, phải lao vào cuộc sống. Đi làm cũng nhiều cám dỗ nhưng tôi ý thức được giá trị cuộc sống nên phải cố gắng phấn đấu.
Bên cạnh đó, sự phấn đấu cho cuộc sống và quan tâm đến bố mẹ, gia đình là điều song song chứ không bao giờ để thành công rồi mới quan tâm bố mẹ thì có khi đã quá muộn màng.
Cảm ơn chị Trương Ngọc Ánh đã chia sẻ!
0 nhận xét:
Post a Comment