Squid Game (Hàn Quốc), Hồ Trường Tân (Trung Quốc) là điển hình cho sự thành công gần đây của hai nền điện ảnh - Ảnh: IMDb
Trong khi Trung Quốc tập trung vào phát triển thị trường quốc nội, sản xuất phim phục vụ khán giả trong nước và đề cao tinh thần dân tộc, điện ảnh Hàn Quốc lại mở rộng mạnh mẽ ra thị trường quốc tế với nhiều chủ đề mang tính phổ quát.
Thế nhưng, một khía cạnh khác của hai nền điện ảnh này chính là biện pháp phong sát hoặc tẩy chay rất hà khắc với những nghệ sĩ gặp vấn đề đạo đức hoặc pháp luật.
Vua phòng vé, vua trực tuyến
Trong khi thị trường Mỹ chững lại hơn nửa năm vì COVID-19 và chỉ khởi sắc vào tháng 10, Hàn Quốc và Trung Quốc có những chiến lược riêng mang lại thắng lợi về phim ảnh trong năm 2021.
Phim bom tấn Hồ Trường Tân tiếp tục đưa Ngô Kinh thành vua phòng vé không chỉ ở Trung Quốc mà còn toàn thế giới, còn Squid Game (Trò chơi con mực) ấp ủ 10 năm của một đạo diễn Hàn Quốc trở thành vua phim trực tuyến toàn cầu năm 2021.
Tính đến ngày 31-10, doanh thu của Hồ Trường Tân đạt 854 triệu USD, theo nền tảng Maoyan của Trung Quốc. BBC thừa nhận phim khiến các thương hiệu bom tấn Mỹ lâu năm và có lượng người hâm mộ đông đảo như James Bond (No Time to Die) hay loạt phim Marvel (Black Widow, Shang-Chi) cũng phải chào thua.
"Trong bầu không khí của chủ nghĩa dân tộc đang lên cao pha lẫn với luồng quan điểm chống Mỹ, dễ hiểu vì sao Hồ Trường Tân lại là một bộ phim ăn khách ở Trung Quốc" - The Washington Post bình luận về bộ phim mô tả phía Mỹ như quân xâm lược.
Hồ Trường Tân do người Trung Quốc làm ra phục vụ khán giả Trung Quốc, không quá bận tâm đến thị trường Mỹ hay quốc tế, tương tự những quả bom phòng vé Trung Quốc trước đó: Xin chào Lý Hoán Anh, Chiến lang 2, Mỹ nhân ngư, Truy lùng quái yêu...
Lợi thế tất nhiên là thị trường khổng lồ hơn 1 tỉ dân sẵn sàng bỏ tiền xem phim quốc nội, thói quen mà điện ảnh Trung Quốc đã tạo được cho khán giả nước này.
Còn Squid Game, chiến lược là hướng ra toàn cầu với chủ đề phổ quát mà vẫn giữ được những chất liệu bản sắc.
The New Yorker nhận xét điều đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã làm với Squid Game chính là "đưa tinh thần vô chính phủ, vô phép vô thiên" của thời đại mình vào định dạng ăn khách có sẵn của phim Hàn Quốc, biến bộ phim thành một tác phẩm vừa rất giải trí vừa để lại suy ngẫm.
Về điện ảnh Hàn Quốc, David Tredler - trưởng ban tổ chức Liên hoan phim Hàn Quốc tại Paris (Pháp) 2021 - nhận xét: "Họ giải quyết tất cả các chủ đề và vượt qua biên giới thể loại. Sự táo bạo nghệ thuật là chìa khóa thành công: từ những phim được giới phê bình quốc tế đánh giá cao như Parasite và Minari đến siêu hit Squid Game".
Phong sát, tẩy chay: từ đỉnh cao xuống vực sâu
Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là hai nền giải trí có thể đẩy các nghệ sĩ từ đỉnh cao xuống vực sâu "chỉ trong một đêm". Từ việc là ngôi sao đang được hâm mộ nhất, họ có thể bị tất cả quay lưng. Tất cả: người hâm mộ, khán giả, nhãn hàng, đoàn phim, đồng nghiệp trong giới.
Trường hợp phong sát hụt với diễn viên Kim Seon Ho (Hometown Cha-cha-cha) vì lý do đạo đức là ví dụ điển hình. Nhân "án oan" Kim Seon Ho, báo The Straits Times (Singapore) dẫn ý nhiều chuyên gia cho rằng "Hàn Quốc cần thay đổi văn hóa tẩy chay độc hại".
Nước nào cũng có văn hóa tẩy chay, South China Morning Post nhận định, nhưng Hàn Quốc thực sự quá nhanh chóng trong việc "xóa sổ" nghệ sĩ đó khỏi các hoạt động.
Điển hình là nữ diễn viên Seo Ye Ji với bê bối "thao túng bạn trai" khiến cô phải tạm ngừng hoạt động. Một nghệ sĩ khác hoạt động ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc là Lucas, thành viên nhóm NCT, cũng bị tẩy chay nặng nề khi bị tố lợi dụng tình cảm và tiền bạc của một số cô gái.
Trong khi đó, các nghệ sĩ Mỹ vẫn có nhiều cơ hội bào chữa và sống sót sau những bê bối lớn hơn nhiều.
Tại Trung Quốc, vấn đề này còn gai góc hơn khi các nghệ sĩ rơi vào diện phong sát hầu như đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Do đó, biện pháp phong sát (cấm sóng, cấm hoạt động) lại thường được dư luận ủng hộ.
Đó là điều xảy ra với Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm... Họ hoặc trốn thuế, hoặc lừa đảo trên thị trường chứng khoán, hoặc vi phạm đạo đức nghiêm trọng (từ bỏ con ruột), hoặc bị bắt vì tấn công tình dục.
Mặc dù vậy, dư luận bên ngoài Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi liệu biện pháp xóa tên nghệ sĩ khỏi các bộ phim họ đóng trước đây có quá cứng rắn? Đó gần như là xóa bỏ quá khứ hay nói đúng hơn là xóa bỏ sự tồn tại của họ?
Dư luận cũng đồng tình việc vi phạm pháp luật cần bị xử phạt, nhưng phải chăng điều đó đã được quy định sẵn trong các bộ luật của một quốc gia?
0 nhận xét:
Post a Comment