Mà cứ lan man chẳng biết tại sao. Mười mấy năm xa quê vì chiến tranh bom đạn mẹ tôi vẫn hay kể cho anh em chúng tôi nghe những câu chuyện về mưa nắng quê nhà. Ở lứa tuổi 9, 10 ngày ấy nghe cứ như là những câu chuyện cổ tích với những địa danh Sơn Tây, Mỹ Thạnh, Nhà Điều, Nhà Bương, rừng Cấm, Hóc Môn. Rồi chuyện ông ngoại tôi đi săn trên đồi Mù Trụ, Đồi Cò Quánh.
Bà ngoại mặc áo dài thô đi cấy lúa trên cánh đồng Cơ Khát, đi câu cá Trèn bên bờ khe Bà Giòng trong những ngày mưa đổ, ngửa nón hái sim, hái Chòi Mòi trên đồi Ông Hút… Ôi chao, những câu chuyện đời người giản đơn, nhọc nhằn mà sao đắm đuối, mê say đến lạ. Cứ mỗi đêm đêm sau bữa cơm là thích nghe mẹ kể chuyện mãi.
Như bao làng quê khác sau chiến tranh, làng Mỹ Thạnh (Hiệp Đức – Quảng Nam) quê tôi nghèo lắm.
Ruộng đồng xung quanh là núi đồi bao bọc. Mọi phương tiện thông thương bên ngoài lúc bấy giờ còn hạn chế, toàn đi bộ. Bàn chân non trẻ lẫm chẫm của tôi còn in dấu trên con đường nắng bụi mưa bùn suốt trong những năm tháng đi học ở quê nhà. Nhưng cái đói, cái nghèo với bà con làng tôi như thể là mặc định bao đời nên tôi thấy họ chẳng có gì bận tâm về điều đó. Họ vẫn cày cấy bình thường trên cánh đồng và đợi mong mưa thuận gió hòa; vẫn dắt liềm lên phên là thiếu ăn, là chạy vạy; vẫn vui, vẫn lễ hội Thành Hoàng tháng Giêng, vẫn Chạp mả tháng Chạp rộn ràng… cứ như vậy thành quen.
Dĩ nhiên, là phải đối phó với muôn vàn khó khăn đủ thứ cứ như một sự sáng tạo để sinh tồn. Làm sao để thắp đèn dầu phụng được lâu khi không có dầu hỏa? Làm sao đẽo guốc gỗ cho đẹp, vá áo quần cho nhã, bẫy ốc bươu cho nhiều… Trong cái khó đã ló cái khôn để vá víu những khó khăn ngặt nghèo của đời sống lúc bấy giờ. Trong tôi vẫn còn y nguyên những đêm quạt vôi cho ngoại ăn trầu thời ấy.
Để có vôi ăn trầu khi xưa bà con làng tôi phải cực nhọc trăm bề bởi chợ búa, đường xa. Bài ca "Bồng em mà bỏ vô nôi" là một ví dụ điển hình đặc trưng như thể sinh ra ở quê tôi và nói cho người dân quê tôi khi phải đi chợ Quán, chợ Cầu để mua cau, mua trầu. Vậy thì, muốn ăn trầu phải tự làm ra vôi chớ xa xôi làm sao chợ búa mãi. Những con ốc đá to được bắt từ khe Nhà Huyền, khe Bà Tải, Sông Trầu… ngoài việc dùng làm thức ăn hàng ngày, vỏ ốc được để dành phơi khô quạt vôi.
Khi hom hom đã đầy đủ số lượng vỏ ốc là bà ngoại tôi chọn đêm để quạt. Vật liệu chính để dùng quạt vôi trước tiên là vỏ ốc phơi, củi tre khô, một miếng tôn độ một mét vuông và một cái quạt nan tre thường dùng để quạt lúa. Tại sao phải dùng củi tre? Vì củi tre khô không có than, dễ tàn, tàn tro trắng nhẹ dễ bay khi quạt. Vỏ ốc được xếp gọn gàng cùng củi, làm sao khi củi tàn ốc không đổ, dựng thành từng lớp.
Khi đốt lửa cháy khoảng mười phút là phải quạt, quạt liên tục, vừa quạt vừa đun thêm củi vô. Ngọn lửa được quạt táp mạnh vào vỏ ốc làm vỏ ốc chuyển màu nhanh chóng từ màu đen sang màu đỏ rồi trắng vôi dần. Quạt liên tục cho những tàn tro củi tre bay đi thì còn lại than ốc. Lúc này trên nền tôn chỉ còn một đống vỏ ốc vôi chín còn nguyên trạng hình ốc. Để nguội một lúc, cho tất cả vào cối giã mịn, đem rây ra là ta đã có bột vôi ăn trầu nguyên chất, rất thơm và mặn mà. Các bà, các mẹ làng tôi vẫn chia nhau chút vôi bột từ các hũ để dành cứ như một nét sinh hoạt thảo thơm của tình làng nghĩa xóm.
Chuyện ăn trầu của ngoại tôi và các bà cũng nhiêu khê lắm nỗi. Không dễ để đi chợ nên chuyện thiếu cau, thiếu trầu là chuyện thường tình. Bởi vậy, phải tìm ra giải pháp để thay thế mà không ảnh hưởng đến chất lượng và để thỏa mãn cơn ghiền. Ngoại tôi và các bà trong làng vẫn dùng lá gun - một loại lá rừng có thân leo làm lá thay thế. Lá gun non được hái trên đồi về từng xấp được cất giữ cẩn thận. Khi ăn đem lượng vừa đủ hấp vào nồi cơm cạn cho mềm là được.
Lá có vị chát đậm, thơm. Còn cau nếu thiếu thì đã có vỏ cây chay, vỏ cây mang mang lột về đập dập cắt ra từng đoạn nhỏ vừa ăn. Ngày bên ngoại tôi vẫn dành phần quết trầu cho ngoại ăn. Tất cả cho vào cối trầu rồi ngoáy cho mềm, có màu đỏ là đưa cho ngoại. Cứ nhìn cái miệng móm mém của ngoại nhai trầu đỏ tươi thấy thanh bình làm sao và cứ thích mình còn bé dại mãi.
Bây giờ thì đã như xa lắm rồi, ngoại tôi đã nghìn năm mây trắng. Bây giờ thì không còn đò giang cách trở, phố chợ gần kề, trầu têm cau bửa bày bán gọi mời. Mỗi lần về thăm làng tôi vẫn còn nhớ như in những đêm quạt vôi cho ngoại. Những ánh lửa hồng ấm nồng trong đêm vẫn mãi bập bềnh trôi trong ký ức xa xôi của tôi. Tự nhiên con cứ thèm trở lại dù chỉ một ngày, ngoại ơi!...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
0 nhận xét:
Post a Comment