Nghệ sĩ cùng chính quyền mới có chung tham vọng
Trong khoảng thời gian một năm, toàn bộ xã hội - trật tự cũ, chuyên chế của Nga hoàng đã bị bật gốc và thay thế bằng một hình thức xã hội mới dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Đây là một cuộc cách mạng có người thắng, kẻ thua hết sức rõ ràng. Hầu hết các nghệ sĩ và nhà văn sáng tác trong thời kỳ trước cách mạng thuộc về tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Trong số những người này, cảm xúc phổ biến của họ đối với cuộc cách mạng là tức giận và tuyệt vọng.
Phía bên kia chiến tuyến là tập hợp những người lao động đoàn kết lại và làm nên thành công của cuộc cách mạng. Ở mặt này, họ hướng tới hy vọng từ nguồn cảm hứng của một xã hội mới, tốt đẹp hơn đã ra đời.
Cũng giống như ở các nước tham chiến khác, sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất vào năm 1914 đã được nhân dân nước Nga đón nhận bằng một làn sóng nhiệt tình yêu nước. Đám đông diễu hành qua các đường phố hát ca ngợi Sa hoàng và vinh quang của "mẹ nước Nga". Nhưng sự hưởng ứng của người dân dành cho cuộc chiến không kéo dài. Khi sự mất mát mặt trận ngày càng lớn, và rõ ràng là mọi chuyện sẽ không kết thúc trong thời gian ngắn, sự bất mãn của đông đảo công nhân và nông dân đã lên một tầm cao mới.
Chế độ Nga hoàng quyết tâm tham gia cuộc chiến tranh đến cùng. Quân đội đã tăng lên hơn 10 triệu người, với gần 2 triệu người chết. Những người lao động vất vả, khổ sở trong các ngành công nghiệp chiến tranh đằng sau giới tuyến buộc phải kiếm ăn bằng khẩu phần ăn ít ỏi.
Cuối tháng 2/1917, Chính phủ tuyên bố cắt giảm khẩu phần bánh mì. Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ – 23/2 theo lịch cũ của Nga (sau là ngày 8/3 – PV), các nữ công nhân ở Petrograd đã đứng lên biểu tình. Họ đã tuần hành đến những nơi làm việc khác, kêu gọi những người lao động ở đó tham gia cùng họ. Các đám đông nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Trong suốt 5 ngày đấu tranh, các cuộc đình công và biểu tình đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chế độ lúc bấy giờ. Thời của Nga hoàng đã có dấu hiệu rạn nứt. Không khí quần chúng công nhân, nông dân, binh lính ai cũng tưng bừng, hừng hực.
Những cảm xúc vui mừng và phấn khởi được Mikhail Kuzmin thể hiện rất rõ trong bài thơ "Cách mạng Nga":
"Cứ như một thế kỷ đã trôi qua, hay chỉ mới một tuần!
Một tuần sao? Chỉ một ngày duy nhất!
...
Hôm nay... Hôm nay mặt trời mọc
Mọi cánh cổng của doanh trại đều mở
Không có lính canh, cảnh sát
Như thể chưa từng có lính gác hay súng ống.
…
Hãy nhớ những điều bạn chưa từng mơ này đang diễn ra
Và nó sẽ luôn luôn cháy trong trái tim của bạn!"
Chỉ trong vòng 8 ngày, cuộc Cách mạng Tháng Hai đã thành công và lật đổ hoàn toàn chế độ Sa hoàng đã tồn tại hàng thế kỷ qua. Tuy đã lật đổ chế độ cũ và giành được chính quyền, nhưng nước Nga theo chế độ cộng hòa dân chủ lại lâm vào tình trạng phức tạp mới. Quyền lực của chính quyền mới không hợp nhất, mà phân tán do các tổ chức Xô Viết và chính quyền dân chủ tư sản nắm giữ.
Đối với họ, cùng những người ủng hộ ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu, Chính phủ lâm thời cần phải thực hiện ba điều: Thứ nhất, tiếp tục chiến tranh để đảm bảo Nga không thua trong cuộc tranh giành tài nguyên và lãnh thổ của chủ nghĩa đế quốc; Thứ hai, đẩy lùi lợi nhuận mà người lao động thu được - bao gồm cả 8 giờ ngày đã được yêu cầu và trong nhiều trường hợp đã được ban hành đơn phương; Thứ ba, bảo vệ cơ cấu sở hữu đất đai hiện có ở Nga, khi đó đang bị đe dọa bởi một tầng lớp nông dân nổi dậy.
Ba chính sách này đã đưa Chính phủ lâm thời vào tình thế xung đột với đông đảo công nhân, nông dân và binh lính. Khẩu hiệu của những người Bolshevik "Hòa bình, Đất đai và Bánh mì" đã thể hiện rõ ý nghĩa của cuộc cách mạng đối với họ. Họ mong đợi chiến tranh kết thúc nhanh chóng, điều kiện kinh tế được cải thiện và chuyển giao các điền trang của giới quý tộc Nga cho nông dân. Nhưng thay vào đó, sau Cách mạng Tháng Hai, họ lại phải chịu nhiều điều tương tự như họ đã phải chịu đựng dưới thời Sa hoàng.
Sau khi Lenin trở lại Nga vào tháng 4, những người Bolshevik bắt đầu hành động để đạt mục tiêu chuyển giao quyền lực cho các Xô Viết. Theo thời gian, sự ủng hộ dành cho Chính phủ lâm thời bị mai một dần, trong khi sự ủng hộ dành cho những người Bolshevik tăng mạnh mẽ.
Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã xóa bỏ các giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người ở nước Nga, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước.
Đoạn văn này từ bản phác thảo tự truyện của Boris Pasternak "Con người và dự kiến" cho người đọc cảm nhận: "Vô số những sinh linh đầy hứng khởi, quan tâm và quan sát sẽ tập hợp lại với nhau, tạo thành đám đông "hội đồng", như họ đã nói trong những ngày xưa cũ... Sự phấn khích của họ đã xóa mờ ranh giới giữa con người và thiên nhiên. Vào mùa hè rực lửa năm 1917, trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn cách mạng, dường như những con đường, hàng cây và các vì sao cũng tập hợp và phát lên tiếng cùng với người dân. Bầu không khí sôi sục từ đầu đến cuối với nguồn cảm hứng bùng cháy trong hàng nghìn dặm, khiến người ta có cảm nhận đó là một bậc thánh nhân có khả năng thấu thị và sở hữu một linh hồn".
Sau khi những người Bolshevik nắm quyền vào tháng 10 năm 1917, không có nhóm xã hội nào bị cuốn vào tinh thần cách mạng hơn các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc và nhà văn. Và tham vọng của họ, lần đầu tiên trong lịch sử, giống với tham vọng của những người cai trị đất nước. Cả hai đều tin rằng nghệ thuật có thể có một mục đích ngoài chính nó, đó là khả năng giúp tái tạo cả một quốc gia, từ áp phích và tranh tường đến đồng phục của công nhân nhà máy và thậm chí cả những tách trà Trotsky sang trọng.
Tất nhiên, luôn có hai mặt của một vấn đề, sự ủng hộ đối với một chế độ "quyền lực nhân dân" chân chính như Liên Xô được thể hiện rất rõ trong thơ và văn lúc bấy giờ. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, một sự chia rẽ rõ rệt đã mở ra giữa những nhà thơ và nhà văn đứng về phía công nhân, nông dân và binh lính trong nỗ lực xây dựng một xã hội mới, và những người đối lập.
Sự phân chia này được phản ánh khá rõ ràng. Những người thuộc về giai cấp công nhân đều rất vui vẻ. Bài thơ "Nghị định", của Alexey Kraysky, giúp làm rõ những cảm xúc chung của chế độ Xô Viết mới trong giới công nhân và người nghèo nói chung:
"Cô gái đùa giỡn nhảy qua vũng bùn, vũng nước
Cô gái ngốc tìm cách bán những tờ báo
Giọng cô ấy sáng như tiếng chim sẻ:
"Các nghị định! Các nghị định! Các nghị định!"
...
Đầu tiên: "Tất cả quyền lực thuộc về Liên Xô!"
Tiếp theo: "Hòa bình cho toàn thế giới!"
…
Cô gái ngốc, hãy đọc chúng và nhận ra:
Những nghị định này là dành cho bạn và cho tôi".
Nghệ thuật chân thực tới mức siêu thực
Đây là một thế giới mới, mọi thứ đều khả thi cả trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống. Vẻ đẹp lộng lẫy của tác phẩm Spectrum: Flight of Forms của Ivan Puni gửi những chữ cái Kirin qua lớp sơn màu xanh ánh trăng giống như những chú chim bồ câu được thả tự do. Lăng mộ của Alexei Shchusev dành cho Lenin là sự kết hợp giữa kim tự tháp và hình học tuyệt đỉnh. Konstantin Yuon tưởng tượng ra những hành tinh hoàn toàn mới cùng những chùm ánh sáng màu, giống như những đường sọc có cái nhìn vào tương lai của họa sĩ Mikhail Matiushin.
Thật đáng kinh ngạc khi thấy những ý tưởng mới đó đã lan truyền khắp châu Âu nhanh như thế nào ngay cả trước năm 1917. Picasso phát minh ra chủ nghĩa lập thể; Kazimir Malevich điều chỉnh nó ở Moscow ít lâu sau đó. Aristarkh Lentulov và Boris Grigoriev vẽ các nhà lãnh đạo Bolshevik như Cézanne vẽ Mont Sainte-Victoire. Có những mái vòm củ hành theo trường phái hậu ấn tượng, những vật dụng theo chủ nghĩa tương lai và những thí nghiệm hoang dã với góc nhìn mới trong phim và nhiếp ảnh. Trên tất cả, đó chính là cuộc cách mạng lớn trong nghệ thuật Nga.
Từ những bức tranh trừu tượng đầu tiên của Kandinsky cho đến những cỗ máy bay ma quái của Tatlin và cả những thiết kế dệt theo trường phái kiến tạo của Lyubov Popova. Người nông dân thời hậu cách mạng được vẽ như thế nào? Trong các bộ phim, hình ảnh đó là một anh hùng rám nắng của Liên Xô, hát khi trở về nhà trong tâm trạng vui vẻ sau một ngày trên cánh đồng hoặc cười tươi rói khi nhìn thấy một chiếc máy vắt sữa mới. Nhưng trong các bức tranh, người nông dân có thể là bất cứ thứ gì, từ một cựu chiến binh đầy vết sẹo với tuyết trên đôi ủng đến một mảng hình chữ nhật rực rỡ. "Quảng trường Đỏ - Red Square" của Malevich có vẻ trừu tượng không thể chối cãi cho đến khi bạn xem xét phụ đề của nó: Chủ nghĩa hiện thực của họa sĩ về một người phụ nữ nông dân trong hai chiều.
Các nữ công nhân đi chân trần, buộc dây và quấn khăn trùm đầu xuất hiện trong những bức tranh cực kỳ tương lai của Alexander Deineka, được bao quanh bởi các máy dệt. Isaak Brodsky vẽ một công nhân hạng cao, bán khỏa thân và được nâng lên trên giàn giáo trên bầu trời đêm như một Michelangelo của Muscovite.
El Lissitzky với những bản thiết kế tuyệt đỉnh về hình họa, tạo hình căn hộ dành cho công nhân, tất cả các giường được sắp xếp hợp lý và mái vòm của trào lưu kiến trúc tiền Corbusier, và sau đó chuyển sang hình ảnh của cuộc sống thực ở Moscow - các cựu binh Hồng quân trở về nhà từ cuộc nội chiến, bàng hoàng và thất nghiệp, hoặc những người bán thuốc lá trên các con phố lạnh lẽo.
Nghệ thuật của Nga có thể khái quát giai cấp vô sản một cách chân thực tới mức siêu thực. Boris Kustodiev's The Bolshevik, trong đó một người khổng lồ mang biểu ngữ màu đỏ đi ngang qua một thành phố băng tuyết, những công nhân nhỏ bé đi bên dưới, không rõ mặt một ai. Những đám đông đi theo Lenin, hoặc tuần hành vì tự do, là một sự mờ ảo vô hình. Bên cạnh đó, cuộc sống thường nhật của người dân cũng được ghi lại qua tranh, cảnh dân làng vất vả dựng cột điện báo, một nông dân bị đạn pháo bắn trả từ phía trước, hai triết gia đi bộ xuyên qua một khu rừng. Đối với rất nhiều mảnh đời trong số này, được đưa trở lại trong giây lát từ bóng tối trong cuộc triển lãm này, sẽ sớm bị biến mất.
Lịch sử như một làn gió thoảng qua, định hình nghệ thuật đất nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười như chúng ta thấy. Những bức tranh này có lớp sơn mỏng dần, bề mặt tranh nứt nẻ theo thời gian, nhưng chúng sẽ tồn tại mãi, giống Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử.
Trọng Hà (theo The Guardian, RF.au)
0 nhận xét:
Post a Comment