Phụ nữ Việt Nam đặc biệt theo cách nào đó, nhưng không phải sự cam chịu
Gần đây, nhiều hoạt động của chị liên quan đến giới nữ, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới như các dự án: Khi nhà văn bàn về giới, In her voice, Hà Nội mua đông 2021, In art we trust… Phải chăng có sự biến chuyển về quan niệm, góc nhìn nào trong chị?
- Thay đổi cụ thể thì không mà nó là một cơ hội tự nhiên. Ví dụ trước đây tôi muốn làm một cái gì đó cho phụ nữ thì thứ nhất là lý luận và lập luận chưa vững. Nên là rất dễ bị đẩy sang hướng cá nhân quá, nó hơi cảm tính quá, nó hơi thiên vị quá và nó có thể khiến cho rất nhiều những suy luận không cần thiết, nó nảy sinh, không có tác dụng cho cái chung.
Và cái quan trọng là tôi không có tài chính. Nhưng đến thời điểm này, tôi tham gia một vài dự án và tôi quan sát thực sự trong 4 năm hành động vì cộng đồng. Tại sao phụ nữ Việt Nam lại đặc biệt theo cách đó nhưng các nước lại không như vậy. Khi tôi ra nước ngoài, tôi thấy có một sự cân bằng giới tính hơn.
Theo chị, phụ nữ Việt Nam hiện có đang phải chịu áp lực về sự bất bình đẳng xã hội và họ có muốn vượt qua điều đó?
- Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, phụ nữ không nhận được những áp lực, bất bình đẳng mà xã hội dành cho họ... Thực ra, tôi chưa bao giờ dám nói, nhưng tôi muốn nói một cách âm thầm theo quan sát tôi thấy nhiều năm gần đây phụ nữ Việt Nam hiểu chuyện đó nhưng họ chấp nhận đồng hành cùng nó.
Họ biết họ rất khác với những người phụ nữ đòi nữ quyền ở các quốc gia khác, họ không biểu tình, họ không vận động chính sách... Họ sẽ xử lý theo cách của họ mà họ nghĩ là hiệu quả. Tôi không làm về giới nên không thể đánh giá tác động tốt hơn hay xấu hơn. Nhưng tôi khẳng định nó không phải là sự cam chịu.
Những phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu xa hiện nay chị nhận thấy họ có sự thay đổi như thế nào?
- Có thể mọi người nói việc này chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, ở khu vực nông thôn đang hiện đại hoá nhưng nó chắc chắn có ảnh hưởng và đang là một xu hướng. Những phụ nữ ở vùng sâu vùng xa tất nhiên còn nhiều bi kịch nhưng thực tế số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp rất nhiều. Khi gặp những bạn như Tẩn Thị Su, tôi mới thấy mình có học mãi cũng không hết. Tôi nhận ra rằng, chỉ có học mới có thể thay đổi cho mình và người khác. Học để tham gia, học để thay đổi cách làm.
Là một người phụ nữ có ảnh hưởng trong xã hội. Nếu để chọn 3 tính từ miêu tả về mình thì Nguyễn Hoàng Điệp dùng từ nào?
Nữ tính – thông minh – chính trực. Tôi là người cũng hơi mơ mộng. Thực ra, mọi người nói nhiều quá nên tôi nghĩ mình là người mơ mộng. Tôi không nghĩ những điều mình làm và mình tin là mơ mộng. Nhưng vì mọi người nói nhiều, có thể do hệ quy chiếu nào đấy thấy đó là mơ mộng. Thực ra, tôi rất thực dụng, điều mà tôi không thích ở nhìn nhận của mọi người đó là nhận định, nếu tôi đã mơ mộng và lãng mạn rồi thì tôi sẽ không thể thực dụng, tính toán được.
"Tôi không thích mọi người nghĩ tôi là người phụ nữ lãng mạn thì không thể thực tế"
Nhận định nào về bản thân khiến chị cảm thấy "bức xúc" nhất?
- Mọi người thường nói nghệ sĩ hay mơ mộng trên mây và có xảy ra chuyện gì thì đổ tại vì là nghệ sĩ, nhưng thực ra tôi không thích suy nghĩ đấy. Vì tôi làm về sản xuất nên tôi rất hiểu, phải tập trung và có trí tuệ mới làm được việc đó.
Tôi thực sự cần lòng tin rằng mình có khả năng thành công. Nếu như làm công việc kinh doanh, quản trị mà thiếu chuyện mơ mộng thì sẽ khó thành công. Còn khi tôi điều hành một dự án trên mây mà hoàn toàn không có đầu óc của người đầu tư thì bản thân dự án đó rất lung lay.
Khi tôi làm dự án thuần về mặt tinh thần, nếu như mọi người nghĩ về tôi là cái gì đó lãng mạn thì mọi người dễ tin. Tôi thấy cái đó không cân bằng. Ví dụ, tôi thích mọi người nhìn tôi nói tôi là người có khả năng mặc cả chứ mọi người không nên nghĩ rằng tôi không biết. Và chuyện đó làm hại tôi không biết bao nhiêu lần. Tự nhiên, tôi bị ghét tiền từ bé, đẻ ra đã như thế, tôi thấy bị tước đi năng lượng rất lớn ở tôi.
Thực ra, nếu tôi như các bạn trẻ hôm nay, tự tin vào học thức, tôi hoàn toàn có thể nói về mình với ước mơ, người hành động. Đấy mới là phụ nữ, không phải cứ nghĩ về phụ nữ là thiệt thòi, hy sinh... Hy sinh không đi kèm với chuyện sinh lời. Tôi gặp những người phụ nữ làm sếp của những doanh nghiệp lớn, tôi luôn luôn đặt câu hỏi rằng "Cái mơ mộng của họ ở đâu, cái lãng mạn của họ ở đâu?". Chắc chắn chị ấy có, và nếu không có mơ mộng thì chắc chắn sẽ không phát triển được thế này.
Khi nói về người nghệ sĩ rằng, cô này mơ mộng, không biết tính tiền kiểu gì cũng có sai sót và mình thông cảm, cái đó tôi thấy cũng vui nhưng cũng không hẳn là cái đúng và về lâu về dài không là sự tôn trọng đúng và đủ. Người nghệ sĩ thành công ở một ngưỡng nào đấy, thực sự họ rất có năng lực quản trị. Họ rất giỏi trong việc quản trị đời sống và thương hiệu của họ. Có thể họ cộng nhầm nhưng các chiến lược tầm cao, xa thì tôi không bao giờ cho rằng nghệ sĩ kém về điều đó. Cho nên cần phải có điều gì đó thay đổi suy nghĩ đó.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin!
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ – nhà sáng lập YxineFF:
Trong vai trò một người đấu tranh cho giới điện ảnh, đặc biệt là giới điện ảnh độc lập, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là người vô cùng mạnh mẽ và dũng cảm. Đối mặt với những nguy cơ lớn, nữ đạo diễn vẫn chấp nhận đương đầu. Có lẽ, ý chí và tinh thần sắt thép đã tồn tại trong con người đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Tinh thần ấy không chỉ xuất hiện trong điện ảnh mà còn là một tình yêu lớn với văn hóa và những gì mang tính truyền thống của Việt Nam. Qua những lần hợp tác, tôi nhận thấy ở Hoàng Điệp một tình thần dân tộc và khát khao quảng bá hình ảnh văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài.
Với những tâm huyết và cống hiến không biết mệt mỏi của mình. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp xứng đáng với danh hiệu "hiệp sĩ" của mình. Những hành động của cô phần nào đã tạo sức lan tỏa, buộc nhiều người phải trăn trở, suy nghĩ về trách nghiệm của mình. Với tôi, nữ đạo diễn đã rất xuất sắc hoàn thành vai trò và nhiệm vụ của mình.
Trên quan điểm cá nhân, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng chia sẻ bản thân mắc hội chứng giả mạo (hội chứng tự cho là mình không thông minh, tài năng như người khác nghĩ). Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng có nhiều lần chia sẻ về vấn đề này. Tuy nhiên, theo cảm nhận của cá nhân tôi cho rằng, nữ đạo diễn này có mối quan tâm khá rộng, đặc biệt với những điều bản thân thực sự quan tâm. Cô ấy sẽ theo đuổi đến tận cùng. Nếu như một người không tin tưởng vào bản thân mình thì sẽ không thể làm được điều đó.
Có lẽ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có suy nghĩ như vậy bởi lẽ cô ấy đã phải gánh chịu quá nhiều những áp lực trong công việc và cuộc sống. Hơn nữa, việc đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tự đánh giá các tác phẩm của mình cũng là điều không quá quan trọng. Bởi lẽ, khi một tác phẩm đã hoàn thành, việc đánh giá nó phải dựa trên quan điểm và góc nhìn của những người ngoài cuộc. Dù có thế nào đi nữa thì việc người đạo diễn tự nhận xét các tác phẩm của mình cũng không làm thay đổi bản chất hay giá trị của những tác phẩm nghệ thuật.
Đạo diễn Trần Thanh Huy:
Với một người đặc biệt như Nguyễn Hoàng Điệp thì việc biến một điều phi thực tế thành điều thực tế là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi lẽ, làm phim là quá trình biến những điều bay bổng trở nên thực tế. Các nhà làm phim chính là người có nhiệm vụ thực thi những điều đó. Vì thế, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp không thích mọi người nhìn chị với suy nghĩ "đã bay bổng thì không thể thực tế" là hoàn toàn dễ hiểu.
Ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng và tạo ra một bộ phim có lợi nhuận là điều khó dự đoán. Dù với mục đích gì thì các đạo diễn, nhà làm phim đều cố gắng xây dựng và hoàn thiện đứa con tinh thần của mình một cách hoàn chỉnh nhất. Sau đó, việc bộ phim có thể lan tỏa và tạo ra doanh thu hay không thì còn dựa trên nhiều yếu tố khác.
Việc thực hiện và sản xuất một bộ phim không đơn giản như cách chúng ta tạo ra một món hàng. Bởi lẽ, có những bộ phim mặc dù được dự báo là sẽ thành công thì kết quả lại không như mong đợi. Ngược lại, có những bộ phim dù không được kỳ vọng và mong đợi nhưng lại mang đến hiệu quả và doanh thu bất ngờ.
Tôi cho rằng, Nguyễn Hoàng Điệp cũng là người tương đối thực tế. Bởi lẽ, trước đây đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là người từng hỗ trợ tôi trong quá trình thực hiện phim "Ròm". Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, "Ròm" là dự án thiếu thực tế. Nhưng cuối cùng đó lại là một dự án thành công.
Với các bộ phim, lợi nhuận có thể sinh ra bằng tiền hoặc danh tiếng. Bộ phim do Nguyễn Hoàng Điệp làm đạo diễn đã mang lại cho chị tiếng vang lớn. Điều đó cũng gián tiếp mang lại cho chị những lợi nhuận nhất định. Trên cương vị một nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã rất thành công với bộ phim "Bi, đừng sợ!". Việc sản xuất thành công một bộ phim vươn tầm thế giới chính là lời khẳng định tính thực tế trong cách làm của Hoàng Điệp.
Nguyễn Hoàng Điệp là người biết nhìn nhận và tìm ra những người tài năng. Từ đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sẽ biết cách để hỗ trợ và giúp đỡ những tài năng đó phát triển khả năng của mình.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là người bay bổng trong sự nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc sống, Hoàng Điệp là người phụ nữ đúng nghĩa. Lần chúng tôi có một chuyến công tác ở Mỹ, Hoàng Điệp xong việc là về sớm để chăm sóc mẹ chị đang bị liệt. Trong khi chị có thể nhờ người chăm để ở lại Mỹ thêm để chơi hay giao lưu. Nhưng chị không làm thế, chị ngay lập tức về nhà. Đó là những minh chứng thuyết phục về người phụ nữ gia đình trong Hoàng Điệp.
0 nhận xét:
Post a Comment