Cảnh trong phim The Falls - Ảnh: IMDb
Một lần nữa, vị đạo diễn người Đài Loan hướng tầm nhìn vào gia đình vụn vỡ để kể câu chuyện về những con người bé mọn vật lộn tồn tại trong đời sống.
Nhiều khán giả Việt Nam chắc hẳn bất ngờ khi gặp lại "nàng Triệu Mẫn" Giả Tịnh Văn ngày nào, nay hóa thân vào vai bà mẹ tiều tụy vì khủng hoảng tâm lý trong The Falls. Diễn xuất của Giả Tịnh Văn làm ta quên đi những vai "lung linh" của cô trước đây, chỉ còn thấy một bà mẹ tuyệt vọng với chính mình - vai diễn đã giúp đem về cho cô tượng Kim Mã nữ chính xuất sắc nhất.
Con người sau lớp khẩu trang
Nhân vật Phẩm Văn của Giả Tịnh Văn xuất hiện như một người phụ nữ thành đạt, năng động, có công việc ổn định, sống trong căn hộ tiện nghi. Nhưng như bao thân phận bị cuốn đi khi đại dịch ập đến, cuộc sống của Phẩm Văn đảo lộn.
Đại dịch như dòng thác đột ngột đổ tới, lật tung mâu thuẫn được che đậy bởi bộn bề của cuộc sống thường nhật. Với The Falls, đại dịch không phải là nguyên nhân, nó chỉ là chất xúc tác để những vấn đề cố hữu phơi mình dưới ánh sáng và buộc con người phải đối diện với nó.
Chung Mạnh Hoành gần như có một tình yêu với ánh sáng mặt trời, giống như tên phim trước đó của ông - Dương Quang Phổ Chiếu. The Falls cũng tập trung vào một gia đình nhưng lần này thu lại trong mối căng thẳng giữa hai mẹ con Phẩm Văn - Tiểu Tịnh.
Phim bắt đầu bằng hình ảnh tòa nhà cao tầng được ánh mặt trời rọi xuống buổi bình minh, đối nghịch với sự ngột ngạt của những chiếc khẩu trang các nhân vật đeo hay căn hộ tăm tối của hai mẹ con. Tòa nhà của họ đang được bọc lại bằng tấm bạt xanh khổng lồ để tu sửa cho nên lúc nào cũng âm u. Một hình ảnh gợi nhớ đến những chiếc khẩu trang hay đồ bảo hộ xuất hiện trong suốt đại dịch.
Thi thoảng, phim chuyển cảnh bằng một khung hình tĩnh, những chiếc xe đạp xếp ngay ngắn, bóng lá dưới nắng vàng khẽ lay trên bức tường. Một thoáng yên bình ngoại cảnh đối lập với tình trạng khủng hoảng của các nhân vật, nhất là Phẩm Văn. Cô liên tục nghe tiếng dòng thác chảy trong tai mình, nói sợ bị ám hại, ảo giác. Những dấu hiệu căn bệnh trầm cảm kéo dài.
Những biến cố tăng dần đẩy trạng thái đối nghịch của hai mẹ con lúc đầu phim sang trạng thái phụ thuộc, nương tựa lẫn nhau. Cô bé Tiểu Tịnh đang độ tuổi đi học trở thành trụ cột chính trong gia đình, quyết định những vấn đề hệ trọng.
Góc nhìn hậu-đại-dịch từ Đài Loan
Dù lấy khoảng thời gian đại dịch diễn ra, The Falls không đi vào miêu tả sự khủng khiếp của cái chết hàng loạt mà đặc tả cách từng cá nhân đương đầu, xoay xở để tồn tại, chỉ ra những chấn thương tâm lý. Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về căn bệnh trầm uất sau một thời gian dài dịch bệnh và thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã thấy những cái chết thương tâm vì trầm cảm.
Dịch bệnh xuất hiện trong The Falls như bóng ma, một ẩn họa. Trên phương diện nào đó, có thể hiểu dịch bệnh cũng là một dạng "ánh sáng" để mỗi con người có cơ hội soi rọi góc tối trong mình.
Ở bối cảnh diễn ra tại viện tâm thần, khán giả có thể để ý thấy những bức tranh trang trí vẽ nhái lại các kiệt tác đều có một màu xanh xám ảm đạm. Trải qua biến cố, con người hay rộng ra xã hội, bị bong hết những lớp màu rực rỡ chỉ còn lại một tâm hồn xanh thẳm trầm buồn.
Nhưng giữa màu buồn ấy, nhà làm phim cũng cho thấy những tia nắng ấm áp của tình thân, tình người dù là những người xa lạ. Những mâu thuẫn đến cuối được cởi bỏ hệt như tấm bạt bao phủ tòa nhà được tháo xuống.
Đạo diễn Chung Mạnh Hoành dẫn dắt cảm xúc khán giả đi từ ngột ngạt đến thở phào rồi lại hồi hộp đến kết phim. Dòng thác thực sự xuất hiện như một thực thể đồng thời trở thành ẩn nghĩa của thử thách tối hậu hay một sự thanh tẩy (?).
Giải Kim Mã lần thứ 58 gọi tên The Falls cho hạng mục phim điện ảnh xuất sắc là một kết quả thuyết phục. Vượt qua cái mác một phim mang tính thời sự, cái còn lại của bộ phim chính là nỗi day dứt về sự tồn tại nhỏ nhoi của con người dưới sức nặng của dòng thác cuộc đời.
0 nhận xét:
Post a Comment